Mỹ hạ nhiệt căng thẳng với Đức về Ukraine

11/02/2015 08:42 GMT+7

Mỹ và Đức nỗ lực tìm đồng thuận về giải pháp cho khủng hoảng tại Ukraine sau những bất đồng liên quan đến việc vũ trang cho chính quyền Kiev.

Mỹ và Đức nỗ lực tìm đồng thuận về giải pháp cho khủng hoảng tại Ukraine sau những bất đồng liên quan đến việc vũ trang cho chính quyền Kiev.

Một quả rốc két bắn vào thị trấn Kramotorsk, miền đông Ukraine ngày 10.2 - Ảnh: AFP
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel kết thúc vào sáng qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sự đoàn kết giữa 2 nước trong các đối sách nhằm vào Nga vẫn là điều trọng yếu. Theo tờ Le Figaro, ông Obama đang muốn xoa dịu căng thẳng trong những ngày gần đây khi bà Merkel nhiều lần chỉ trích đề xuất viện trợ vũ khí cho Kiev trong lúc nhiều quan chức cấp cao của Mỹ - bao gồm Phó tổng thống Joe Biden đã tỏ ý ủng hộ. Họ cho rằng nếu Kiev được cung cấp những vũ khí uy lực hơn sẽ làm Moscow phải tăng chi phí cho quốc phòng trong lúc kinh tế đang lao đao. Đây sẽ là áp lực làm Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. AFP dẫn lời các chuyên gia cho rằng trong trường hợp Mỹ quyết định cung cấp vũ khí, chính quyền Ukraine có thể nhận được tên lửa chống tăng, radar, máy bay không người lái và được chia sẻ thông tin tình báo.
Sau khi thảo luận với bà Merkel, ông Obama cho biết: “Tôi vẫn chưa quyết định nhưng cũng đã xem xét biện pháp này. Vấn đề là liệu chúng ta có thể đảm bảo những vũ khí sát thương cung cấp cho Kiev sẽ được sử dụng một cách hữu ích và không rơi vào tay kẻ xấu?”. Le Figaro dẫn lời các chuyên gia nhận định ông Obama sẽ phải hết sức cân nhắc khi đưa ra quyết định trong trường hợp cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine, phe nổi dậy và các nhà lãnh đạo Đức, Nga, Pháp dự kiến tổ chức vào ngày 11.2 tại Minsk (Belarus) bị hủy hoặc kết thúc mà không đạt được đột phá. Tổng thống Mỹ gần như chỉ có 2 lựa chọn là gia tăng cấm vận trong lúc Ukraine tiếp tục sa lầy trong xung đột hoặc viện trợ vũ khí với nguy cơ giao tranh sẽ leo thang vượt mọi dự đoán.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel chủ trương ưu tiên giải pháp chính trị, nếu cần thì tăng cường trừng phạt kinh tế. Theo bà, việc vũ trang cho Ukraine sẽ khiến xung đột leo thang và đưa EU vào thế đối đầu trực tiếp với Nga. Những ngày qua, dù các quan chức cấp cao của Đức, Nga, Pháp và Ukraine liên tục gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc gặp ngày 11.2 nhưng nguy cơ đàm phán bị hủy vẫn “lơ lửng”. Le Figaro hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh báo: “Không ai có thể thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin bằng giọng điệu của một tối hậu thư”.
Liên quan đến tình hình chiến sự, AFP dẫn nhiều nguồn tin cho biết giao tranh ở miền Đông đã làm tổng cộng 17 người thiệt mạng từ ngày 9.2 đến hôm qua. Kiev cũng cáo buộc khoảng 1.500 lính Nga cùng nhiều vũ khí hạng nặng đã “xâm nhập lãnh thổ Ukraine” từ cuối tuần trước. Đáp lại, phe nổi dậy cáo buộc quân chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều đợt tấn công bằng hệ thống phóng rốc két Smertch vào thành phố Donetsk và các thị trấn lân cận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.