Mỹ hay Trung Quốc có thể khiến Triều Tiên thay đổi chương trình tên lửa?

17/09/2021 21:15 GMT+7

Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ cùng các đồng minh không có nhiều lựa chọn để gây sức ép lên CHDCND Triều Tiên dừng phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Hôm 16.9, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm “hệ thống tên lửa triển khai từ đường sắt” vào ngày 15.9, ngày giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản phát hiện hai tên lửa đạn đạo được phóng từ Triều Tiên và rơi ở vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên. Đợt phóng tên lửa từ tàu hỏa diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình mới mà giới chuyên gia cho rằng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, theo Reuters.
Nếu tên lửa phóng từ tàu hỏa đúng là tên lửa đạn đạo thì đó là đợt phóng đầu tiên liên quan loại tên lửa này kể từ tháng 3, cho thấy Triều Tiên quyết tâm tăng cường khả năng tên lửa và hạt nhân, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Triều Tiên bị cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Triều Tiên thử nghiệm hệ thống tên lửa đường sắt

"Không thấy chiến lược từ Mỹ"

Dù cấm Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hiện không thể thông qua biện pháp trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng vì không nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Hai nước này đang có quan hệ tốt với Triều Tiên và lâu nay vận động nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng, theo SCMP.
Cố vấn Uk Yang của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng hiện chỉ còn có các biện pháp trừng phạt là có thể đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, nhưng khẳng định Bình Nhưỡng không có ý định giải trừ vũ khí hạt nhân. “Tôi phải thừa nhận tôi không thể thấy bất kỳ chiến lược thật sự hay nỗ lực từ phía Mỹ để giải quyết tình hình hạt nhân Triều Tiên”, ông Uk cho hay, theo SCMP.

Triều Tiên phóng tên lửa hành trình mới trong ngày 11 và 12.9

AFP

Ngoài ra, nhà phân tích Soo Kim thuộc tổ chức RAND (Mỹ) cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện không có nhiều sức lực để đối phó Bình Nhưỡng vì phải giải quyết những thách thức về chính sách ngoại giao và trong nước. Ông Kim còn nhận định Mỹ và Hàn Quốc đã chấp nhận “hiện trạng” về Triều Tiên và quả bóng hiện đang ở trong sân của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, giáo sư về an ninh và quan hệ quốc tế Leif-Eric Easley tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul cho rằng dù có hạn chế về hợp tác quốc tế, Mỹ cùng các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có thể làm việc cùng nhau để gây thêm sức ép lên Bình Nhưỡng. Bà Easley cho rằng Hàn Quốc có thể hòa giải với Nhật, gia tăng chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác phòng thủ tên lửa.
“Chính quyền [Tổng thống] Biden có thể khôi phục những cuộc tập trận với các đồng minh ở châu Á mà đã bị giảm quy mô trong đại dịch. Dù Nga và Trung Quốc ngăn chặn hành động ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Mỹ và những nước có cùng quan điểm có thể cải thiện việc thực hiện các biện pháp cấm vận và bổ sung những đối tượng vi phạm mới, trong đó có công ty Trung Quốc”, bà Easley bình luận.

Cần sức ép lớn từ Trung Quốc?

Tương tự, chuyên gia Kim Jong-ha, hiệu trưởng Trường Quốc phòng thuộc Đại học Hannam ở Hàn Quốc cho rằng các nước đối tác không có nhiều lựa chọn để đối phó Triều Tiên, ngoài biện pháp cấm vận và chỉ trích. “Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa trong tương lai để thu hút sự chú ý của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Kim nhận định. Ông Kim cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi nếu không chịu sức ép lớn từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn và là đồng minh của Triều Tiên, theo SCMP.
Trong chuyến thăm Seoul hôm 15.9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ hy vọng rằng tất cả các nước sẽ hướng tới “hòa bình và ổn định” trên bán đảo Triều Tiên và nối lại đối thoại, nhưng không có chỉ trích trực tiếp Bình Nhưỡng. “Chẳng hạn, không chỉ có Triều Tiên mà nhiều nước khác cũng tham gia các hoạt động quân sự”, ông Vương nói.

[VIDEO] Hàn Quốc, Triều Tiên thi nhau phóng tên thử tên lửa

Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên đóng băng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội vào tháng 2.2019. Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần ngỏ lời đối thoại, nhưng chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng, theo SCMP.
Dù hứng nhiều biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng các biện pháp cấm vận của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật, Triều Tiên vẫn đạt được sự tiến bộ nhanh trong việc phát triển các chương trình vũ khí của mình, thực hiện 6 cuộc thử hạt nhân và nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa từ năm 2006. Theo một báo cáo do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc công bố hồi năm ngoái, nhiều nước tin rằng Bình Nhưỡng có thể đã phát triển được đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.