Mỹ hướng nội, Trung Quốc tìm bạn mới ở Đông Nam Á

13/12/2016 11:27 GMT+7

Trung Quốc đang quay sang Đông Nam Á với nỗ lực thúc đẩy thương mại, đầu tư mới. Xu hướng này sẽ gia tăng giữa cảnh khu vực chật vật vì khả năng một nước Mỹ bảo hộ nhiều hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Hãng tin Bloomberg trích ước tính của ngân hàng Credit Suisse cho hay ngoài việc “tán tỉnh” các nước Đông Nam Á bằng đề xuất về hiệp định thương mại, Trung Quốc còn gần như tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sáu quốc gia lớn nhất khu vực này trong năm nay. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết nước trong khu vực.
“Trung Quốc có một góc rõ ràng, họ biết những gì họ muốn từ sự phát triển đôi bên cùng có lợi này. Song đây không còn là chuyện giữa chính phủ và chính phủ nữa, đây là chuyện phát triển của các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng dẫn dắt nhiều hơn”, chuyên gia Santitarn Sathirathai của Credit Suisse ở Singapore nói.
Philippines và Malaysia đã có nhiều động thái rõ ràng hơn để gắn kết với Trung Quốc. Hồi tháng 10, trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông muốn cắt đứt với Mỹ, một đồng minh quan trọng, và xoay trục về Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ký kết nhiều thương vụ trị giá 30 tỉ USD trải dài từ năng lượng đến cơ sở hạ tầng đường sắt. Ông cho hay Trung Quốc và Malaysia có mối quan hệ đặc biệt dựa trên nền văn hóa chung, sự tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ giữa hai nước sẽ đi lên tầm cao mới.
Dù Mỹ đang là nhà đầu tư lớn nhất ở Philippines, Đại lục rục rịch chiếm danh hiệu này vào năm sau với 24 tỉ USD đầu tư cứng và mềm cùng 2,5 tỉ USD dòng vốn , theo ước tính của HSBC Holdings. Trung Quốc vừa công bố một loạt bước đi nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Philippines, bao gồm thúc đẩy nhập khẩu nông sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng và dỡ bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng GDP của Philippines đang ở mức cao nhất ba năm Bloomberg
Credit Suisse ước tính FDI Trung Quốc chảy vào sáu nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt khoảng 16 tỉ USD năm nay. Nước này hiện chiếm 30% tổng FDI vào Thái Lan, 20% tổng FDI vào Malaysia.
Ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, đầu tư Trung Quốc tăng vọt trong hai năm qua sau cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đại lục hiện là nhà đầu tư đứng thứ ba, sau Singapore và Nhật Bản với FDI tăng từ 600 triệu USD cả năm ngoái đến 1,6 tỉ USD chỉ trong chín tháng đầu năm nay.
Bắc Kinh không đơn độc trong hành trình tìm cách thắt chặt quan hệ với ASEAN. Giới doanh nghiệp Đài Loan và Nhật Bản cũng đã và đang tăng cường hoạt động trong khu vực, tận dụng lợi thế lương bổng rẻ và tăng trưởng kinh tế mạnh. Tất cả sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN, ngoài Singapore, được dự báo tăng trưởng hơn 3% trong năm nay.
Du lịch là ngành công nghiệp trên đà hưởng lợi nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, nhà kinh tế Edward Lee tại ngân hàng Standard Chartered ở Singapore cho biết. Theo ước tính của ông Lee, một trong bốn khách du lịch ở Thái Lan giờ đây đến Trung Quốc, tăng so với chỉ 5% hồi năm 2008. Xu hướng tương tự cũng có mặt trên khắp khu vực. Tổng số du khách Trung Quốc đến châu Á nhìn chung tăng theo hệ số 10 kể từ năm 2000.
“Du lịch Trung Quốc đang khá lớn cho ASEAN lúc này và tất cả quốc gia đều phụ thuộc vào du khách Trung Quốc, những người tiếp tục đến, tiếp tục chi tiêu”, ông Lee nhận định. Thái Lan là một trong số ít các nước ASEAN đòi hỏi du khách Trung Quốc phải có visa khi đến thăm, trong khi Malaysia thì dỡ bỏ yêu cầu thị thực đối với những du khách có chuyến đi ngắn hơn 15 ngày.
Theo Credit Suisse, nếu du khách Trung Quốc tăng chi tiêu 30%, GDP Thái Lan sẽ được thúc đẩy 1,6 điểm phần trăm còn GDP Việt Nam đi lên gần 1 điểm phần trăm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.