Mỹ hủy giải thưởng 10 triệu USD truy nã lãnh đạo lực lượng đối lập Syria

21/12/2024 08:04 GMT+7

Mỹ quyết định dỡ bỏ giải thưởng truy nã lãnh đạo lực lượng quân sự đối lập Syria Ahmed al-Sharaa sau cuộc gặp 'rất hiệu quả' với nhân vật này.

Mỹ hủy giải thưởng 10 triệu USD truy nã lãnh đạo lực lượng đối lập Syria- Ảnh 1.

Người dân Syria tại Damascus ra đường ăn mừng theo lời kêu gọi của tổ chức HTS hôm 20.12

ẢNH: REUTERS

Tờ The Guardian ngày 21.12 đưa tin Mỹ dỡ bỏ giải thưởng 10 triệu USD truy nã ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh lực lượng quân sự đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tại Syria, sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao Mỹ và giới lãnh đạo HTS.

Bà Barbara Leaf, nhà ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Trung Đông, cho biết ông al-Sharaa đã đưa ra lời đảm bảo trong cuộc họp ở Damascus rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác sẽ không được phép hoạt động trên lãnh thổ Syria.

Mỹ ngừng "treo giá" 10 triệu USD truy nã lãnh đạo lực lượng đối lập Syria

Bà Leaf cho biết phái đoàn Mỹ đã thông báo với ông al-Sharaa, trước đây có bí danh Abu Mohammed al-Jolani, rằng Washington sẽ không còn trao phần thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông ấy nữa. Nhà ngoại giao này cho biết khoản tiền thưởng đó sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực đàm phán với thủ lĩnh HTS.

"Đó là một quyết định về chính sách ... phù hợp với thực tế là chúng tôi đang bắt đầu thảo luận với HTS", bà nói.

Tháp tùng bà Leaf đến Damascus (Syria) là ông Roger Carstens, đặc phái viên tổng thống phụ trách vấn đề con tin và ông Daniel Rubinstein, cố vấn cấp cao được giao nhiệm vụ xử lý mối quan hệ giữa Mỹ với các lực lượng mới đang điều hành Syria.

Bà Leaf nói rằng sự sụp đổ của ông Bashar al-Assad, tổng thống bị lật đổ tại Syria, nên đánh dấu sự kết thúc của ảnh hưởng của Iran tại Syria.

Mỹ hủy giải thưởng 10 triệu USD truy nã lãnh đạo lực lượng đối lập Syria- Ảnh 2.

Ông Ahmed al-Sharaa (phải) trong lần gặp Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen hôm 15.12

ẢNH: REUTERS

Các nhà ngoại giao đã đặt ra câu hỏi về tung tích của nhà báo người Mỹ Austin Tice mất tích ở Syria năm 2012, cũng như nhà trị liệu tâm lý người Mỹ gốc Syria Majd Kamalmaz và những công dân Mỹ khác đã mất tích trong thời gian ông al-Assad nắm quyền. Mỹ đã không có quan hệ ngoại giao với Syria kể từ khi đóng cửa đại sứ quán vào năm 2012.

Một vấn đề khác được đưa ra thảo luận tại Damascus là tương lai của người Kurd ở Syria, những người từ lâu đã là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS trong khu vực.

Mỹ tăng gấp đôi binh sĩ đóng tại Syria

Sau cuộc gặp với phái đoàn Mỹ, theo AFP, chính quyền lâm thời Syria ra thông cáo cho biết nước này muốn đóng góp cho "hòa bình khu vực".

"Phía Syria cho biết người dân Syria giữ khoảng cách ngang bằng với tất cả các quốc gia, đảng phái trong khu vực và Syria phản đối bất kỳ sự phân cực nào", tuyên bố cho biết.

Tuyên bố cho biết chính quyền mới muốn "khẳng định vai trò của Syria trong việc thúc đẩy hòa bình khu vực và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền với các quốc gia trong khu vực".

Phía Mỹ cho biết cuộc gặp "rất hiệu quả". Bà Leaf nói rằng "đó là một cuộc họp đầu tiên tốt đẹp" và "chúng tôi sẽ đánh giá bằng hành động, không chỉ bằng lời nói".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.