Mỹ khẳng định đang tiếp xúc ngoại giao gián tiếp với Iran về thỏa thuận hạt nhân

13/03/2021 15:21 GMT+7

Quan chức cấp cao Mỹ cho hay đang xúc tiến ngoại giao gián tiếp nhằm thúc đẩy việc Mỹ và Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân vốn đang bế tắc.

Hãng Reuters ngày 13.3. dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay Mỹ và Iran đã bắt đầu ngoại giao gián tiếp với các nước khác để truyền tải các thông điệp về cách quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
“Ngoại giao với Iran vẫn tiếp tục, không chỉ theo cách trực tiếp vào thời điểm này. Có những phương thức liên lạc qua các nước châu Âu và các bên khác, giúp chúng tôi giải thích với Iran về quan điểm đối với việc tuân thủ, cũng như lắng nghe quan điểm của họ”, ông cho biết.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bác bỏ khả năng đơn phương khuyến khích Tehran bắt đầu đối thoại, nhưng để ngỏ khả năng hai bên có các biện pháp có qua có lại nhằm khôi phục thỏa thuận.
“Chúng tôi hiện đang chờ nghe thêm từ Iran về việc họ muốn tiến triển ra sao. Đây không phải là việc dễ nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi đang trong quy trình ngoại giao có thể giúp hướng tới việc đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, và làm điều đó bằng con đường ngoại giao”, theo ông Sullivan.

Chương trình hạt nhân Iran: Điều gì đang xảy ra ở các cơ sở chính?

Nhóm P5+1 bao gồm Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào ngày 8.5.2018, đồng thời tái áp đặt lệnh cấm vận Iran. Kể từ năm 2019, Iran bắt đầu rút dần khỏi thỏa thuận và tăng tốc trong vài tháng gần đây.
Hai bên đều muốn đối phương hành động trước để quay lại thỏa thuận, khi Iran muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế trước, còn Washington lại muốn Tehran thực thi lại các giới hạn về chương trình hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.