Mỹ khẳng định Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa phục vụ quân sự

12/10/2016 19:00 GMT+7

Cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc vừa trình bằng chứng cho thấy hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam không phải vì mục đích dân sự như Bắc Kinh tuyên bố.

Lâu nay, Bắc Kinh luôn ngang ngược tuyên bố xây những đảo nhân tạo này với mục tiêu dân sự, phục vụ hoạt động thương mại, cứu hộ trên biển. Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia trong khu vực cho biết những đảo nhân tạo phi pháp này là phục vụ mục đích quân sự.
Cơ quan Tình báo Không gian địa lý Quốc gia Mỹ (NGA), một cơ quan của Lầu Năm Góc chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh, cho biết họ có chứng cứ khẳng định hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là vì mục đích quân sự, theo chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 11.10.
Phát biểu trong một phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, giám đốc NGA Robert Cardillo lý giải NGA đã phân tích các hình ảnh vệ tinh và phát hiện “các cấu trúc và thiết bị quân sự để Trung Quốc có thể đưa lực lượng quân sự đến thường trú trên những đảo nhân tạo” ở Trường Sa.
Dù không công bố thông tin chi tiết về loại thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo, nhưng ông Cardillo cho rằng chúng có thể phục vụ cho các “hoạt động kiểm soát máy bay, điều khiển vũ khí và kho xăng máy bay”.
Ngoài Trường Sa, các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng ở những đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Những công trình này phục vụ mục đích quân sự, trên Đá Chữ Thập AMTI/CSIS
Ông Carrillo nhấn mạnh các hình ảnh vệ tinh của NGA là phù hợp để đánh giá mục đích thật sự của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng ta có thể đặt chứng cứ này lên bàn và nói: Đây là sự thật. Đây là những gì đang xảy ra. Đây là ai hung hăng nhất hay gây hấn nhất ở Biển Đông”.
Báo cáo và hình ảnh của NGA lần đầu tiên được đưa vào báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trong năm nay.
Trong báo cáo của Lầu Năm Góc, hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông được đánh giá là “hành động áp bức mức độ thấp”.
“Một khi hoàn tất, các cơ sở trên đảo nhân tạo sẽ là những cảng, hệ thống do thám và thông tin liên lạc, cơ sở hậu cần, và ba đường băng”, theo báo cáo của Lầu Năm góc.
Hồi tháng 7.2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Theo phán quyết của PCA, Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường lưỡi bò” hay "đường chín đoạn" chiếm trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh đã tuyên bố phớt lờ phán quyết của PCA và sẽ tiếp tục hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
“Mặc dù các đảo nhân tạo không thể giúp Trung Quốc củng cố các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh có thể dùng chúng để làm căn cứ quân sự-dân sự nhằm tăng cường hiện diện Biển Đông”, cũng theo báo cáo Lầu Năm Góc.
Ông Cardillo nhấn mạnh NGA đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ thông qua việc tăng cường hoạt động thu thập thông tin tình báo về các lực lượng quân sự trong khu vực. Ở Biển Đông, ông Cardillo cho hay NGA theo dõi sát sao từng động thái quân sự của Trung Quốc.
Trong năm qua Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không, hệ thống lửa diệt hạm ra Hoàng Sa, điều tàu chiến và cho máy bay dân sự đáp thử xuống đường băng phi pháp xây trên đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trung Quốc gần đây cũng tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Nga ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.