Mỹ khởi xướng mạng lưới hậu cần quân sự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

05/09/2024 19:26 GMT+7

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thành lập các trung tâm sửa chữa quân sự 5 quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore và Philippines.

Theo Nikkei Asia, Mỹ hướng tới một mạng lưới sửa chữa quân sự toàn cầu, mở rộng từ châu Âu sang châu Mỹ Latinh. Trong khung hỗ trợ khu vực (RSF) mới của Lầu Năm Góc, các năng lực công nghiệp sẵn có của các đồng minh và đối tác được khai thác để có thể tiến hành bảo trì, sửa chữa và đại tu tàu, máy bay và phương tiện, thay vì phải quay trở lại Mỹ.

Mỹ khởi xướng mạng lưới hậu cần quân sự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Các tàu hải quân Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận chống tàu ngầm chung ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc vào tháng 9.2022

ẢNH: REUTERS

Kế hoạch triển khai sẽ thí điểm tại 5 nước trên trong năm nay, sau đó mở rộng sang các đối tác NATO trong khu vực Bộ Tư lệnh châu Âu vào năm 2025 và các đối tác Mỹ Latinh trực thuộc Bộ Tư lệnh miền nam của Mỹ (SOUTHCOM) vào năm 2026.

Trong số 5 quốc gia nêu trên, thì 4 nước là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ. Riêng Singapore, mặc dù không phải là đồng minh, nhưng có truyền thống trong việc tiếp đón các tàu chiến Mỹ theo hình thức luân phiên.

Theo Nikkei Asia dẫn một nguồn tin thạo tin, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ công bố thêm thông tin chi tiết về kế hoạch trên trong tháng này. Hồi tháng 3.2024, người phụ trách dự án trên của Lầu Năm Góc kiêm Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Lowman đã dẫn đầu một đoàn chuyên gia hậu cần cấp cao đến Úc, Nhật Bản và Philippines để thảo luận về vấn đề này.

Dự án này xuất phát từ sự nhận thức của Mỹ về các thách thức cạnh tranh sức mạnh công nghiệp với Trung Quốc. Hồi tháng 7.2023, trang The War Zone trích dẫn một báo cáo tóm tắt của Hải quân Mỹ cho thấy Bắc Kinh có năng lực đóng tàu gấp 232 lần so với Washington.

Mỹ khởi xướng mạng lưới hậu cần quân sự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương- Ảnh 2.

Nhà máy đóng tàu Geoje của Hanwha Ocean (Hàn Quốc)

ẢNH: Hanwha Ocean

Ngoài ra, phát biểu tại Hội nghị West 2024 hồi tháng 2, ông Lowman nói rằng hậu cần quân sự đang chuyển từ lập trường "phản ứng truyền thống" sang "chủ động đưa ra các giải pháp". Do đó, việc cung cấp cho chỉ huy chiến trường nhiều lựa chọn để sửa chữa các nền tảng không hoạt động sẽ tạo ra mức độ không chắc chắn cao hơn trong quá trình lập kế hoạch của đối phương và do đó tăng cường khả năng răn đe và giá trị răn đe.

Về phần mình, các đồng minh châu Á đang tích cực chuẩn bị cho cơ hội kinh doanh này. Vào tháng 8, công ty đóng tàu Hanwha Ocean (Hàn Quốc) đã công bố hợp đồng với Hải quân Mỹ để bảo dưỡng một tàu hỗ trợ hậu cần của Washington có trọng tải khoảng 40.000 tấn tại xưởng đóng tàu Geoje ở phía nam bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc nắm bắt cơ hội chen chân vào nhóm nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới

Thông tin này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi công ty thông báo rằng họ đã ký Thỏa thuận sửa chữa tàu chính (Master Ship Repair Agreement) với Hải quân Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ như vậy. Vào tháng 6, Hanwha đã công bố thỏa thuận mua lại xưởng đóng tàu Philly Shipyard ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) với giá 100 triệu USD

Song song đó, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã đi đầu trong nỗ lực sử dụng các xưởng đóng tàu tư nhân của Nhật Bản để sửa chữa các tàu chiến Mỹ được triển khai tới khu vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.