'Mỹ không tham gia TPP thì đối thủ sẽ hưởng lợi'

20/05/2015 15:08 GMT+7

(TNO) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi quốc hội thông qua việc trao quyền xúc tiến thương mại cho tổng thống, đồng thời khẳng định nếu Mỹ không tham gia vào Hiệp định TPP thì chỉ có các đối thủ cạnh tranh của Mỹ hưởng lợi.

(TNO) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi quốc hội thông qua quyền xúc tiến thương mại cho tổng thống, đồng thời khẳng định nếu Mỹ không tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chỉ có các đối thủ cạnh tranh của Mỹ hưởng lợi, theo Reuters ngày 20.5.

>> Thượng viện Mỹ không trao quyền xúc tiến TPP cho Tổng thống Obama

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Seattle ngày 19.5 - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 19.5 đã kêu gọi quốc hội nước này nhanh chóng trao quyền xúc tiến thương mại cho Tổng thống Barack Obama, để tạo điều kiện cho việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ.
Theo ông Kerry, việc hoàn tất TPP sẽ gửi một thông điệp đi khắp châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới, rằng Mỹ đang và sẽ tiếp tục là lực lượng tiên phong cho sự an ninh và thịnh vượng tại khu vực.
Ngoại trưởng Kerry cũng cho rằng nếu Mỹ không tham gia TPP thì các đối thủ của Mỹ sẽ là những người hưởng lợi, và chắc chắn họ sẽ rất vui mừng, theo Reuters.
Phát biểu này của ông Kerry đưa ra ngay sau khi trở về từ chuyến thăm Trung Quốc, nước đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cũng trong bài phát biểu tại thành phố Seatlle (bang Washington), Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Mỹ cần mở rộng thị trường để tiếp tục phát triển. Mỹ sẽ không thể làm được điều đó nếu không tham gia vào hiệp định thương mại với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng ngày 19.5, Tổng thống Barack Obama cũng hối thúc quốc hội Mỹ nhanh chóng xem xét dự luật xúc tiến thương mại và trình tổng thống càng sớm càng tốt.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là trụ cột kinh tế trong chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng từng đánh giá TPP rất quan trọng đối với Mỹ để duy trì ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như vị thế lãnh đạo khu vực.
Ông Obama mong muốn hoàn tất việc tham gia TPP với 11 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (gồm Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei) trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Chính vì thế, Tổng thống Mỹ đang cố gắng thúc đẩy quá trình đàm phán hiệp định này, trong đó có quyền đàm phán nhanh TPA.
Nếu được trao TPA, Tổng thống Obama sẽ có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP, tiến tới hoàn tất văn bản của hiệp định này. Lúc đó, Quốc hội Mỹ chỉ có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hiệp định TPP mà không có quyền sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản đó.
Trong khi đó, nếu không có TPA, chính quyền Obama sẽ rất khó để hoàn tất việc mở rộng thỏa thuận thương mại với các đối tác TPP, theo Reuters.
Hôm 12.5, Thượng viện Mỹ đã đưa dự luật TPA ra bỏ phiếu nhưng không thể thông qua vì không đủ số phiếu theo quy định. Tuy nhiên sau đó, thượng viện đã thông qua kế hoạch thảo luận lại đối với dự luật này với nội dung liên quan đến vấn đề thao túng tiền tệ và bảo hộ người lao động. Theo dự kiến, dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu lần nữa tại thượng viện vào cuối tuần này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.