Mỹ làm gì sau khi cảnh báo về vũ khí hạt nhân từ Tổng thống Putin?

29/09/2022 10:52 GMT+7

Các cơ quan tình báo Mỹ và đồng minh đang đẩy mạnh nỗ lực phát hiện bất kỳ động thái quân sự hoặc liên lạc nào của Nga có thể báo hiệu Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Động thái trên do 5 quan chức và cựu quan chức Mỹ tiết lộ với tạp chí Politico mới đây. Tuy nhiên, họ cảnh báo bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đã quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân để giành lại thế chủ động ở Ukraine có thể chỉ được nhận ra khi đã quá muộn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp trực tuyến ngày 27.9

Reuters

Hầu hết các máy bay của Nga, cùng với các bệ phóng tên lửa và rốc két thông thường, cũng có thể triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ. Những vũ khí này được thiết kế để nhắm vào các mục tiêu cụ thể trên chiến trường, khác với các vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo liên lục địa thường có thể để lộ dấu hiệu khi những đơn vị phụ trách những loại vũ khí chiến lược được đặt trong tình trạng báo động hoặc tập trung trong các cuộc huấn luyện.

Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể không bao giờ biết được khi nào lực lượng Nga đổi vũ khí thông thường sang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây là vấn đề ngày càng gây thêm lo lắng khi các lực lượng Nga đang chật vật tìm lại động lực ở Ukraine và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Putin không còn được ủng hộ nhiều ở Nga, đặc biệt là sau khi ông ra lệnh động viên quân một phần trong tuần trước, theo Politico.

Mỹ tăng cường giám sát tình báo trước nguy cơ xung đột hạt nhân gia tăng ở Ukraine

“Chúng tôi đang theo dõi tình hình chặt chẽ hơn”, một quan chức chính phủ Mỹ có quyền truy cập thông tin tình báo về chiến lược và các lực lượng hạt nhân của Nga, cho Politico hay. Vị quan chức cho biết thêm các nỗ lực gần đây bao gồm việc bổ sung các kênh tình báo của Mỹ và đồng minh - trong không gian, vũ trụ và không gian mạng - và dựa nhiều hơn vào các vệ tinh chụp ảnh trái đất để phân tích các đơn vị của Nga có thể sẵn sàng nhận lệnh hạt nhân.

Một trọng tâm khác bên ngoài Ukraine là vùng Kaliningrad thuộc Nga, nằm giữa Ba Lan và Litva, nơi Điện Kremlin đã lắp đặt các hệ thống vũ khí lưỡng dụng và tên lửa bội siêu thanh. Trong tuần qua, các trang web theo dõi chuyến bay đã cho thấy nhiều máy bay giám sát điện tử RC-135 Rivet Joint của Không quân Mỹ bay vòng quanh thành phố Kaliningrad, lấy cớ là thu thập dữ liệu. Trong vài năm qua, Nga đã nâng cấp các địa điểm trữ tên lửa ở Kaliningrad, làm dấy lên lo ngại về việc xây dựng khả năng hạt nhân trên vùng lãnh thổ này, theo Politico.

Thông tin về những động thái như trên của Mỹ được tiết lộ sau khi Tổng thống Putin ngày 21.9 tuyên bố Nga sẽ sử dụng "sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí" nếu phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ phương Tây. “Những ai cố gắng đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể quay đầu và hướng về phía họ... Đây không phải là nói suông”, theo AFP.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự ngày 218, 4 vùng ly khai công bố muốn gia nhập Nga, chuyên gia đoán kịch bản hạt nhân

Đến ngày 22.9, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, tuyên bố Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của mình, bao gồm "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" và "Cộng hòa nhân dân Donetsk" thuộc miền đông Ukraine được Nga công nhận độc lập và hai tỉnh Zaporizhia và Kherson thuộc miền nam Ukraine, nếu những khu này quyết định sáp nhập Nga, theo Đài RT.

Học thuyết hạt nhân hiện nay của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên nhắm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường, theo RT.

Xem thêm các diễn biến liên quan chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.