Mỹ lần đầu kêu gọi Trung Quốc rút tên lửa phi pháp khỏi Trường Sa

10/11/2018 10:51 GMT+7

Chính quyền Mỹ lần đầu tiên kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa phi pháp khỏi những đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng và bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc đối thoại cấp cao giữa quan chức ngoại giao-quốc phòng 2 nước ngày 9.11, Lầu Năm Góc kêu gọi Trung Quốc “rút các hệ thống tên lửa” khỏi những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.
“Mỹ tái khẳng định rằng mọi nước nên tránh giải quyết tranh chấp bằng sự cưỡng ép và hăm dọa”, Lầu Năm Góc tuyên bố.
Hồi tháng 5, truyền thông Mỹ dẫn báo cáo của lực lượng tình báo nước này đưa tin Trung Quốc đã âm thầm triển khai các loại tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và đất đối không HQ-9B đến đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc cũng đã triển khai các thiết bị gây nhiễu quân sự trên đá Chữ Thập và Vành Khăn.
Tuyên bố ngày 9.11 được cho là lần đầu tiên Mỹ chính thức lên tiếng về những hệ thống tên lửa phi pháp này. Sau cuộc đối thoại cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington tiếp tục lo ngại về những hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh phải giữ nguyên những cam kết đã đưa ra trước đây đối với sự ổn định của vùng biển này.
Trong khi đó, theo Reuters, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc họp ngang ngược tuyên bố nước này "có quyền xây dựng những cơ sở phòng thủ cần thiết" trên những thực thể chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông. Ông Dương còn lớn tiếng kêu gọi Mỹ ngừng đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá hiện do Trung Quốc kiểm soát trái phép.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố sẽ tiếp tục cho tàu thuyền và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, đồng thời chỉ trích hành động quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.