“Chúng tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi đã thấy các cuộc đụng độ này, trong các khu vực không có IS, là điều không thể chấp nhận và gợi lên những mối quan ngại sâu sắc”, Brett McGurk, đặc sứ của Tổng thống Mỹ phụ trách liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) viết trên tài khoản Twitter, đề cập đến một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuyên bố từ ông Brett McGurk là lần đầu tiên phía Mỹ nhắc tới chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tại khu vực biên giới Syria trong thời gian gần đây.
tin liên quan
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Syria để đánh ISHàng chục chiếc xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24.8 đã tiến vào biên giới Syria, trong một cuộc tấn công quy mô nhằm vào thành phố Jarablus để quét sạch các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại đây.
Ngày 24.8, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai xe tăng tràn sang biên giới Syria. Chiến dịch này gọi là Lá chắn Euphrates, bao gồm quân Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA), nhằm đánh đuổi IS khỏi khu vực thành phố Jarablus (Syria, nơi giáp với thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ). Trong chiến dịch ấy, Thổ Nhĩ Kỳ không giấu ý định vừa quét sạch IS vừa ngăn không cho các tay súng người Kurd tại Syria mở rộng tầm ảnh hưởng sang Jarablus.
Tuy nhiên, Reuters ngày 29.8 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ từ lúc kiểm soát được mặt trận Jarablus, quân do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ vẫn tiếp tục hiện diện tại Syria. Họ đã chuyển mục tiêu từ IS sang các khu vực do người Kurd kiểm soát, cụ thể là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
SDF cũng là liên minh bao gồm Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG), một tổ chức do Mỹ hỗ trợ để diệt IS tại Syria. Từ trước đến nay, cuộc chiến chống IS ở Syria luôn gặp rắc rối vì các phe tố nhau về các cuộc không kích nhằm vào “phe mình”.
Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng xem SDF và đặc biệt YPG là tổ chức liên hệ mật thiết với đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ bị Ankara xem là khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn YPG mở rộng lãnh thổ tại Syria, và dùng Jarablus như một lá chắn ngăn YPG tiếp cận với Gaziantep, khu vực Thổ Nhĩ Kỳ có đa phần người Kurd sinh sống.
Thế nên dù là đồng minh ở NATO nhưng Mỹ lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã đi quá xa trong chiến dịch can thiệp vào Jarablus ở Syra.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên vũ trang hãy ngừng tay... Mỹ tích cực tham gia vào việc tạo điều kiện để giảm xung đột và đoàn kết nhắm vào mục tiêu là ISIL (IS), tổ chức vẫn đang là mối đe dọa chung”, ông Brett McGurk nhấn mạnh.
Bình luận (0)