Mỹ lo ngại vũ khí bí mật của Nga

20/08/2018 09:45 GMT+7

Cuộc chạy đua vũ trang trên quỹ đạo đang nóng lên sau khi Mỹ vừa chuẩn bị thành lập quân chủng không gian vừa cáo buộc Nga triển khai vũ khí hủy diệt vệ tinh.

Được lặng lẽ phóng lên quỹ đạo cách đây không lâu, một vệ tinh bí ẩn của Nga đang trở thành tâm điểm trong hội nghị về kiểm soát vũ khí toàn cầu tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tuần rồi. “Chúng tôi quan ngại về hành vi vô cùng bất thường của cái mà Nga gọi là “cỗ máy kiểm tra vệ tinh”. Chúng tôi không biết chắc nó là cái gì mà chưa có cách nào xác nhận danh tính của nó”, website Bộ Ngoai giao Mỹ dẫn lời Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề vũ khí Yleem Poblete tuyên bố. Theo bà, vệ tinh này có thể là một loại vũ khí chuyên tìm diệt vệ tinh của đối phương và hiện đang theo dõi các tài sản của Mỹ trên không gian.
Trợ lý ngoại trưởng Poblete không nêu đích danh vệ tinh nào nhưng giới phân tích cho rằng đây có thể là vệ tinh Kosmos 2519 được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk, miền bắc Nga. Phía Moscow không công bố chi tiết về dự án này mà chỉ cho biết đây là vệ tinh có thể mang theo một vệ tinh nhỏ hơn, với năng lực tự tách khỏi vệ tinh mẹ và thực hiện các thao tác “kiểm tra tình hình” trên quỹ đạo, theo website Bộ Quốc phòng Nga. Sau đó, tờ Izvestia dẫn các nguồn tin giấu tên tiết lộ Kosmos 2519 có thể di chuyển gần các vệ tinh khác một cách bí mật rồi thả vệ tinh nhỏ hơn mang tên Kosmos 2521 tự di chuyển theo quỹ đạo rất khó theo dõi. Kosmos 2521 sẽ tự hoạt động rồi quay về vệ tinh mẹ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đáp lại những cáo buộc từ phái đoàn Mỹ tại hội nghị Geneva, nhà ngoại giao Nga Alexander Deyneko gọi đây là “những tuyên bố không có cơ sở, dựa trên những nghi ngờ và phỏng đoán không đâu”, theo Reuters.
Tuy nhiên, có một thực tế là Nga đang nỗ lực phát triển một loạt vũ khí tối tân cho chiến trường không gian. Hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước này đang phát triển các dòng vũ khí mới, bao gồm vũ khí laser diệt vệ tinh. Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) đang nghiên cứu chuyển đổi kính viễn vọng quang học, đường kính 3 m trở thành súng thần công laser, theo Đài RT. Bên cạnh đó, Moscow hồi cuối năm ngoái đã tiết lộ kế hoạch phát triển hệ thống di động tấn công vệ tinh gọi là Rudolf và hệ thống tác chiến điện từ nhằm vào vệ tinh viễn thông mang tên Tirada-2S.
[VIDEO] Nga khoe 'siêu vũ khí' sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga
Mặt khác, BBC dẫn lời chuyên gia Alexandra Stickings cho rằng những cảnh báo của Trợ lý Poblete có thể còn nhằm tạo thêm cơ sở cho kế hoạch thành lập quân chủng không gian của Mỹ. Cả Tổng thống Donald Trump lẫn Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều ủng hộ ý tưởng này và cho rằng những nước như Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Iran “đang chạy đua các thế hệ vũ khí mới, biến không gian thành chiến trường kế tiếp”, theo tờ USA Today. Bước đầu tiên của kế hoạch là từ giờ đến cuối năm phải xây dựng bộ tư lệnh không gian mới, tập hợp nhân lực tinh hoa từ các lực lượng vũ trang khác về mảng không gian song song với mua sắm vệ tinh và phát triển công nghệ mới. Phải chờ đến tháng 2.2019, Nhà Trắng dự kiến mới đưa ra dự luật và thông tin chi phí liên quan để trình quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang thuyết phục quốc hội duyệt chi 8 tỉ USD để đầu tư các hệ thống an ninh không gian trong vòng 5 năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.