Mỹ lo phần mềm thiết kế vi mạch vũ khí lọt vào tay Trung Quốc

16/04/2021 09:21 GMT+7

Các nghị sĩ Mỹ kiến nghị siết quy định xuất khẩu công nghệ thiết kế vi mạch sang Trung Quốc do lo ngại nguy cơ bị sử dụng để chế tạo vũ khí.

Hãng Reuters ngày 16.4 đưa tin các nghị sĩ Mỹ muốn siết việc bán các phần mềm thiết kế vi mạch máy tính của vũ khí cho các công ty Trung Quốc, bao gồm các phần mềm thiết kế vi mạch của tên lửa bội siêu thanh.
Trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, các nghị sĩ muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra các biện pháp tương tự như đã áp dụng đối với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Theo đó, hạ nghị sĩ Michael McCaul và thượng nghị sĩ Tom Cotton kiến nghị áp dụng quy định này đối với bất cứ công ty Trung Quốc nào thiết kế các vi mạch hiện đại có kích thước từ 14 nanomet (nm) trở xuống.
Nếu được áp dụng, quy định sẽ buộc các công ty Mỹ phải xin phép theo quy trình siết chặt hơn nếu muốn bán các phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và các giới hạn khác về việc bán vi mạch cho những công ty Trung Quốc.
“Quy định như thế sẽ đảm bảo rằng các công ty Mỹ cũng như công ty từ các nước đồng minh và đối tác không được bán cho Trung Quốc sợi dây thừng mà họ dùng để treo cổ tất cả chúng ta”, lá thư viết.
Một đại diện Bộ Thương mại xác nhận về việc đã nhận được lá thư và cho biết 7 tổ chức về siêu máy tính của Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen vào tuần rồi. Bộ sẽ tiếp tục xem xét để quyết định xem có cần thêm những hành động khác hay không, theo vị đại diện trên.

Nằm trong danh sách đen, Huawei phải cải tổ để giảm phụ thuộc công nghệ Mỹ

Cũng theo thư kiến nghị, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khí động học Trung Quốc (CARDC), một đơn vị nghiên cứu vũ khí bội siêu thanh do Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc điều hành, đã mua phần mềm EDA từ công ty Phytium Technology, công ty của Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
“Chúng tôi nhận thấy rắc rối lớn khi Bộ Thương mại cho phép công nghệ trọng yếu như thế của Mỹ có thể được dùng để thiết kế vũ khí nhằm vào các binh sĩ Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo các nghị sĩ Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.