Mỹ lo sợ "chiến tranh điện tử" với Trung Quốc

09/09/2007 23:26 GMT+7

Trung Quốc đã bác bỏ nhiều cáo buộc về việc các hacker của quân đội nước này đã, hoặc định thực hiện các cuộc tấn công trực tuyến nhằm vào phương Tây, trong đó đáng chú ý nhất là kế hoạch "chiến tranh điện tử" chống Mỹ.

Nhiều hãng tin và báo chí quốc tế hôm qua đưa lại thông tin của Báo The Times (Anh) công bố tối 8.9 rằng các hacker của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã lập một kế hoạch chi tiết nhằm làm tê liệt một hạm đội hàng không mẫu hạm của Mỹ bằng một cuộc tấn công trực tuyến. Dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tờ báo cho biết kế hoạch trên là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được "ưu thế về điện tử " trước các đối thủ toàn cầu vào năm 2050, đặc biệt là Mỹ, Anh, Nga và Hàn Quốc.

Theo những tài liệu quân sự và diễn văn của các tướng lĩnh đang được giới chức tình báo Mỹ phân tích, Trung Quốc mong muốn làm tê liệt sớm các khả năng tài chính, quân sự và thông tin liên lạc của đối phương trong một cuộc xung đột. Mô tả đó là một cuộc chạy đua vũ trang mới, một bản đánh giá của Lầu Năm Góc cho biết quân đội Trung Quốc coi các chiến dịch tấn công qua máy tính là "quan trọng nhằm giành thế chủ động" trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh.

Theo Báo The Times, kế hoạch làm tê liệt hàng không mẫu hạm Mỹ do 2 tướng không quân Trung Quốc Sun Yiming và Yang Liping soạn thảo, sau khi đã nghiên cứu hàng chục cẩm nang của Mỹ và NATO về các chiến thuật quân sự. Đầu tuần rồi, Báo Financial Times (Anh) đưa tin các hacker của quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hồi tháng 6. Theo Báo Guardian (Anh), sau đó các website của Chính phủ Anh cũng bị các hacker Trung Quốc xâm nhập.

Tuần báo Der Spiegel (Đức) đưa tin các chương trình do thám có nguồn gốc từ quân đội Trung Quốc được phát hiện có trong những hệ thống máy tính tại văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ ở Berlin trong năm nay. Mới nhất là thông tin trên Báo Le Monde (Pháp) đưa ra vào ngày 8.9, theo đó các hệ thống thông tin của Pháp cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến "có liên quan đến Trung Quốc".

Trở lại thông tin trên Báo The Times, Larry M.Wortzel, tác giả báo cáo, cho rằng điều người Mỹ nên suy nghĩ là "trong nhiều cẩm nang quân sự của Trung Quốc, họ (người Trung Quốc) coi Mỹ là nước mà họ có thể đi đến chiến tranh", và rằng "họ đang tiến rất nhanh nhằm nắm vững hình thức chiến tranh mới này". Về phần mình, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc hacker của nước này xâm nhập các mạng máy tính của nước ngoài. Theo Hãng tin AP, Trung Quốc cho biết họ vẫn chưa nhận được yêu cầu của bất kỳ nước nào điều tra về các cáo buộc nói trên. Cuộc tranh cãi quanh vấn đề này giữa Trung Quốc và các nước phương Tây hẳn nhiên chưa thể chấm dứt.

Ông Sami Saydjari, chuyên gia phụ trách các hệ thống phòng thủ trực tuyến của Lầu Năm Góc kể từ năm 1980, hồi tháng 4 đã tuyên bố tại Quốc hội Mỹ rằng một cuộc tấn công trực tuyến ồ ạt có thể khiến 70% lãnh thổ Mỹ mất điện trong 6 tháng. Cũng theo ông này, tất cả các nước lớn đang cố gắng bảo vệ mình không bị "tổn thất chiến lược tối đa" bằng cách vô hiệu hóa các hệ thống ngân hàng, lưới điện và mạng thông tin liên lạc của đối phương.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.