Ngày 29.4, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 27,54 tỉ USD, giảm 7,3% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng, cả nước xuất khẩu được 108,57 tỉ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ mua hàng hóa của Việt Nam nhiều nhất với kim ngạch ước đạt 28,4 tỉ USD.
Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đó là điện thoại và linh kiện đạt hơn 17,4 tỉ USD, giảm 17,3% so với với cùng kỳ năm trước; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,13 tỉ USD, giảm 8,9%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt hơn 13 tỉ USD, giảm 5,9%; Dệt may đạt 9,57 tỉ USD, giảm 19,3% và giày dép đạt 6,13 tỉ USD, giảm 16,3%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 26,03 tỉ USD, giảm 8,1% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 102,22 tỉ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỉ USD.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nên Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước xuất siêu ước đạt 6,35 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỉ USD.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê ngày 29.4 cho bết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước. Nếu so với tháng 12/2022, CPI tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).
Bình luận (0)