Mỹ nâng cấp ‘vùng đệm’ phòng vệ ở Thái Bình Dương đối phó Trung Quốc

09/07/2020 22:57 GMT+7

Mỹ đang lên kế hoạch nâng cấp các cơ sở trên tiền đồn ở Tây Thái Bình Dương để làm vùng đệm, chuẩn bị sẵn đường lui cho quân đội Mỹ trong trường hợp các căn cứ ở rìa tây trúng đòn tấn công.

Những hình ảnh chụp từ vệ tinh của công ty Planet Labs, trụ sở tại California (Mỹ), cho thấy hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng và nhiều công trình mới được xây trên đảo Wake, lãnh thổ Mỹ nằm giữa Guam và Hawaii đang thuộc quyền kiểm soát của không quân Mỹ.
Hòn đảo này cũng đang chứa các hệ phòng thủ tên lửa, đề phòng nổ ra xung đột với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, hiện sở hữu tên lửa có thể bắn đến Bờ Tây của Mỹ.
Trang The Drive hôm 9.7 đưa tin Lầu Năm Góc đang rót hàng trăm triệu USD vào đảo Wake trong những năm gần đây, theo đó xây dựng đường băng dài gần 3 km và nâng cấp các cơ sở không quân khác. Quân đội Mỹ cũng cho xây nhà máy điện mặt trời quy mô lớn trên đảo.

Máy bay KC-135 tiếp liệu cho các tiêm kích F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương

Không quân Mỹ

Theo phân tích của The Drive, căn cứ trên có thể được sử dụng làm đường lui cho quân đội Mỹ trong trường hợp các căn cứ ở rìa tây trúng đòn tấn công.
Đảo Wake từng là chiến trường ác liệt giữa lực lượng Mỹ và quân Nhật Bản theo sau trận Trân Châu Cảng vào năm 1941, nhưng tầm quan trọng chiến lược của nó trở nên mờ nhạt dần sau khi chiến tranh kết thúc, cho đến vài năm gần đây.
Ông Lu Li-shih, cựu giảng viên học viện hải quân ở Đài Loan, nhận định rằng căn cứ Trân Châu Cảng trên đảo Oahu của Hawaii vẫn giữ nguyên vai trò quan trọng, và nỗ lực nâng cấp căn cứ ở đảo Wake là nhằm bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước nguy cơ tấn công của tên lửa Trung Quốc.
Guam, một căn cứ then chốt khác của Mỹ, được trang bị hệ thống phòng không tối tân THAAD, sẵn sàng đánh chặn tên lửa từ Triều Tiên.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 25.6 (trái) và 9.10.2016 cho thấy có hoạt động cơi nới thềm để máy bay ở phía đông của đường băng

Planet Labs

Tuy nhiên, hồi năm ngoái Trung Quốc đã trình làng tên lửa đạn đạo DF-26, đặt biệt danh là “sát thủ diệt Guam”, và tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 đủ sức bắn đến Mỹ.
“Vì thế, đảo Wake đóng vai trò là vùng đệm trên Thái Bình Dương che chắn Hawaii, nơi nhiều khả năng trở thành mục tiêu đầu tiên của tên lửa, trước khi điểm kế là đất liền Mỹ”, chuyên gia Lu phân tích.
Theo ông Lu, đây là chiến lược phòng vệ trước nguy cơ tấn công của hải quân Trung Quốc.
Báo South China Morning Post hôm 9.7 dẫn lời tiến sĩ Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho hay việc nâng cấp đảo Wake có thể được xem là một phần của chiến lược chuẩn bị được Lầu Năm Góc triển khai, đề phòng nguy cơ xung đột với Trung Quốc trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.