Mỹ - Nga đối thoại giữa căng thẳng Ukraine

08/12/2021 06:48 GMT+7

Nhà Trắng đưa ra thông điệp cứng rắn đối với Nga, giữa lúc nước này bị cáo buộc chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhắm vào Ukraine .

Nửa đêm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc đối thoại trực tuyến, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan Ukraine leo thang.

Trước thềm cuộc đối thoại, phía Mỹ phát cảnh báo đối với Nga và Tổng thống Biden đã có điện đàm với lãnh đạo của 4 nước châu Âu. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng khó có đột phá từ cuộc đối thoại, theo AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thăm binh sĩ ở miền đông vào ngày 6.12

AFP

“Hưởng ứng tích cực” về quân sự

Ngay trước thềm cuộc đối thoại nói trên, một quan chức Nhà Trắng tuyên bố với giới phóng viên rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế nặng đối với Nga và sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu nếu Moscow tấn công Ukraine.

Vị quan chức trên tiết lộ Nhà Trắng không biết liệu Tổng thống Putin có đưa ra quyết định tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hay không và cũng không đề cập liệu Mỹ có can thiệp quân sự hay không, nếu ông Putin đưa ra quyết định như thế. Tuy nhiên, vị quan chức khẳng định Washington sẽ “hưởng ứng tích cực” đối với đề nghị tiềm năng từ các đồng minh là tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu nếu Nga tấn công Ukraine, theo AFP. Vị quan chức còn tiết lộ Mỹ và các đồng minh châu Âu đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga nếu Moscow tấn công Ukraine.

Cũng ngay trước cuộc đối thoại với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức, Ý và Anh trong ngày 6.12. Nhà Trắng cho hay trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm rằng các nhà lãnh đạo thảo luận mối quan ngại chung của họ về việc Nga gia tăng sức mạnh quân sự gần biên giới Ukraine. Họ nhấn mạnh ủng hộ chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow hạ nhiệt căng thẳng với Kiev, theo Reuters.

Hội đàm trực tuyến Putin-Biden sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Căng thẳng Nga - Ukraine

Cảnh báo và lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Yuriyovych Reznikov ngày 3.12 cho rằng Nga đã tập trung hơn 94.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine và có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào cuối tháng 1.2022, theo Reuters. Ngoài ra, tờ The Washington Post ngày 3.12 dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng Nga đang chuẩn một cuộc tấn công vào đầu năm 2022, liên quan tới 175.000 binh sĩ.

Ông Putin xem Ấn Độ là “đại cường quốc”

AFP ngày 7.12 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xem Ấn Độ là “một đại cường quốc, một quốc gia thân thiện và một người bạn được thử thách qua thời gian”.

Ông Putin đưa ra tuyên bố trên khi đứng cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi ngày 6.12. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của Tổng thống Putin kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trước đó là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6. Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của Tổng thống Putin, hai bên đã ký thỏa thuận trị giá 681 triệu USD để sản xuất mẫu súng trường tấn công AK-203 và 28 thỏa thuận đầu tư, theo Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla. Ông Shringla còn xác nhận trong tháng này, Nga bắt đầu giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ theo thỏa thuận 5 tỉ USD được ký vào năm 2018.

Đến ngày 6.12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này có khả năng chống lại bất kỳ cuộc tấn công từ Nga, theo Reuters. Trong khi đó, Moscow bác bỏ ý định tấn công Ukraine, cáo buộc phương Tây có hành động khiêu khích, đặc biệt là các cuộc tập trận ở biển Đen.

Quan hệ giữa Ukraine và Nga sụp đổ vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột bùng nổ cùng năm giữa lực lượng thuộc chính quyền Kiev và lực lượng ủng hộ Nga ở miền đông Ukraine. Tổng thống Zelenskiy ngày 1.12 tuyên bố việc đưa Crimea trở lại Ukraine nên là mục tiêu chính của nước này. Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3.12 nhấn mạnh Moscow xem mục tiêu đó của Ukraine là “mối đe dọa trực tiếp đối với Nga”, theo Hãng tin Interfax. “Ngôn từ như thế đồng nghĩa chính quyền ở Kiev có ý định dùng mọi khả năng có thể, kể cả vũ lực, để xâm lấn một khu vực thuộc Nga”, ông Peskov nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.