Đôi bàn tay chị Nguyễn Thế Hồng (quận 1- TPHCM) thô ráp, chai sạn vì thường xuyên làm bạn với búa, kéo nhưng khi đan những vỏ lon lại với nhau, đôi tay ấy trở nên uyển chuyển, mềm mại lạ thường.
Chỉ trong phút chốc, một chiếc nón xinh xắn đã được hoàn tất. “Nhìn thì dễ nhưng làm rất khó, phải khéo léo, cẩn thận trong từng chi tiết. Các thao tác chỉ làm một lần vì gấp lần thứ hai vỏ lon sẽ bị gãy”- chị Hồng tâm sự.
Mày mò học nghề
17 năm qua, chị Hồng đã theo đuổi nghề làm mỹ nghệ từ những thứ vứt đi. Chị nhớ lại: “Ngày xưa, mỗi lần đi trên đường, thấy vỏ lon, tôi chợt nghĩ sao không thử làm những sản phẩm từ phế phẩm vừa giúp bảo vệ môi trường vừa đáp ứng nhu cầu du khách”. Vợ chồng chị đã thực hiện ý tưởng đó bằng việc mua những mẫu ô tô, tàu thủy về tháo ra, mày mò học cách làm.
Những sản phẩm đầu tay của chị vẫn còn thô sơ do chưa nắm rành kỹ thuật. “Nhiều lúc đan vỏ lon với nhau, sản phẩm thường bị gãy, thiếu độ tinh xảo. Sau thời gian miệt mài sáng tạo, cuối cùng tôi cũng hoàn tất các sản phẩm riêng của mình như mô tô các loại, máy bay, tàu thủy, trực thăng, xe tăng, gạt tàn thuốc, nón...”- chị bộc bạch.
Để làm sản phẩm mỹ nghệ, khâu quan trọng nhất vẫn là chọn nguyên liệu. Chị chia sẻ: “Phải chọn những vỏ lon đẹp nhất, không méo mó. Vỏ lon khi đem về cần rửa sạch, cắt bỏ 2 đầu. Khi cắt cần khéo léo, nhẹ nhàng, nếu mạnh tay, vỏ lon sẽ bị nát. Sau đó, vỏ lon được cán ra cho phẳng và dùng bút phác họa các đường nét”.
|
Lúc mới vào nghề, để hoàn tất một sản phẩm, chị phải mất 4 giờ. Riêng với những chiếc máy bay, trực thăng, ô tô, tàu thủy thời gian có khi đến 10 giờ. Nhưng bằng niềm đam mê, chị không hề chán nản, bỏ hết công sức của mình trong từng sản phẩm.
Đưa sản phẩm đi xa
Khi những chiếc máy bay, ô tô bằng vỏ lon hoàn tất cũng là lúc chị đối diện với nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Để tiếp thị, chị mang sản phẩm ra bày bán trên đường Đồng Khởi, quận 1 - TPHCM, nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài. “Nhìn những cái nón, gạt tàn thuốc… du khách không tin chúng được làm từ vỏ lon. Tôi phải thuyết phục và chỉ ra từng chi tiết cho họ thấy. Khi nhận ra sự tỉ mỉ của những sản phẩm, họ trầm trồ khen ngợi”- chị kể.
Một lần, tình cờ người khách du lịch Tây Ban Nha nhìn thấy các sản phẩm của chị, ông rất lấy làm hứng thú và đặt mua để làm quà cho bạn bè, người thân. Những lần sang Việt Nam sau đó, ông đều đặt hàng với số lượng lớn hơn để mang về nước bán. Từ đó, khách hàng các nước dần dần biết đến sản phẩm của chị. Những đơn đặt hàng từ Nhật, Mỹ… ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, chị còn bỏ hàng cho một số cửa hàng bán quà lưu niệm ở “khu phố Tây” Phạm Ngũ Lão, quận 1 - TPHCM.
Không ngừng cải tiến
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ cửa hàng quà lưu niệm trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - TPHCM, cho biết: “Tôi thường trưng bày những sản phẩm của chị Hồng vì những nét độc đáo, lạ mắt từ những chiếc nón, gạt tàn thuốc, máy bay...
Hầu hết khách hàng ở đây đều là khách nước ngoài nên họ thích sưu tầm, tìm tòi những món quà thật mới lạ để mang về nước làm kỷ niệm. Nhờ các sản phẩm được chế tạo tinh xảo từ bàn tay khéo léo của chị Hồng mà cửa hàng của tôi đã tạo được ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách mỗi khi họ ghé đến”.
Những năm gần đây, khách nước ngoài sang du lịch Việt Nam ít đi, hàng xuất khẩu cũng khó khăn hơn. Để chinh phục khách hàng cũng như đa dạng hóa sản phẩm, chị đã không ngừng cải tiến, đưa ra nhiều mẫu mã mới. Mới đây, chị còn hoàn tất những chiếc túi xách làm từ vỏ lon kết hợp với simili xinh xắn. Chị tâm sự: “Nghề này rất cần sự sáng tạo, khéo léo mới tạo ra sản phẩm tinh xảo, đáp ứng thị hiếu của khách nước ngoài. Đặc biệt, muốn sống với nghề này đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn, chịu đựng cao”.
Theo Hiền Việt / Người Lao Động
Bình luận (0)