Mỹ - Nhật Bản sẽ mở rộng các sứ mạng hải quân sang biển Đông ?

31/03/2015 18:46 GMT+7

(TNO) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đẩy mạnh việc thông qua dự luật về quyền phòng vệ tập thể sẽ mở đường cho việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng quân sự Mỹ và Nhật, mở rộng sứ mạng hải quân khắp châu Á, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas ngày 31.3 cho biết.

(TNO) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đẩy mạnh việc thông qua dự luật về quyền phòng vệ tập thể sẽ mở đường cho việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng quân sự Mỹ và Nhật, mở rộng sứ mạng hải quân khắp châu Á, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas ngày 31.3 cho biết.

 
Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Mỹ trong một chuyến thăm Philippines - Ảnh: AFP
Những sứ mạng hải quân chung và sứ mạng huấn luyện giữa Mỹ và Nhật Bản có thể được mở rộng từ Nhật Bản qua biển Đông đến Ấn Độ Dương, theo Reuters.
Mỹ và Nhật Bản không có tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, nhưng Hạm đội 7 hoạt động tại đây. Và sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) sẽ khiến cho Trung Quốc phải khó chịu.
Chính quyền ông Abe lên kế hoạch đệ trình một dự luật soạn thảo hồi năm 2014 để Quốc hội nước này thông qua trong vài tháng tới.
Nếu dự luật được thông qua, Nhật Bản có quyền thực hiện quyền phòng vệ tập thể, theo đó cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ các đồng minh nước ngoài nếu họ bị tấn công.
“Quyền phòng vệ tập thể giúp Hạm đội 7 và Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản dễ dàng tập trận và phối hợp hoạt động ở khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Thomas trả lời phỏng vấn Reuters khi ông đang trên soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Mỹ neo đậu ở thành phố Yokohama (Nhật Bản).
Và trong buổi họp báo chung với Đô đốc Eiichi Funada, chỉ huy JMSDF, ông Thomas cho hay Nhật Bản “có năng lực tiến hành những sứ mạng trong vùng biển quốc tế và không phận quốc tế ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Đáp lại những phát ngôn của ông Thomas, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản “không nên vượt qua phạm vi song phương và không nên đe dọa an ninh, lợi ích của các quốc gia trong khu vực”.
“Chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác Nhật Bản - Mỹ và sự phát triển quan hệ của hai nước này có thể đóng vai trò tiên phong và mang tính xây dựng cho hòa bình, phát triển và ổn định trong khu vực”, bà Hoa nói trong buổi họp báo tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Việc Nhật Bản mở rộng vai trò quân sự trong khu vực được Washington hoan nghênh và Mỹ thúc giục các đồng minh ở châu Á, bao gồm Úc, làm nhiều hơn nữa giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.
Nhật Bản và Mỹ cho biết họ sẽ quyết định vào cuối tháng 6.2014 về hàng loạt những đường lối mới trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật kéo dài hàng thập niên qua, để cho Tokyo đóng vai trò nổi bật hơn.
Hạm đội hải quân mạnh nhất ở châu Á, Hạm đội 7 Mỹ vẫn là đối thủ đáng gờm đối với lực lượng hải quân Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh ở châu Á. Hạm đội 7 Mỹ có 80 tàu chiến, 140 máy bay và 40.000 binh sĩ là lực lượng hải quân mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương, theo Reuters.
Trước đó, hôm 18.3, ông Thomas từng đề xuất các nước ASEAN tuần tra chung trên biển Đông và Hạm đội 7 của Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN. Vào ngày 29.1, ông Thomas cho hay Mỹ khuyến khích Nhật mở rộng tuần tra vùng trời biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.