QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI
Hồi tháng 1, các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao của Mỹ và Nhật đã cùng nhau vạch ra tầm nhìn về quan hệ đồng minh giữa hai nước trong "kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược" hiện nay. Lầu Năm Góc cho biết một loạt sáng kiến đã được công bố nhằm tối ưu hóa thế trận lực lượng của Mỹ tại Nhật "bằng cách triển khai các khả năng linh hoạt, cơ động và bền bỉ hơn", theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida diễn ra sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực này. "Chúng tôi đang hiện đại hóa liên minh quân sự của mình, dựa trên việc gia tăng chi tiêu quốc phòng mang tính lịch sử và chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản", ông Biden nói.
Trong quan hệ đồng minh giữa hai nước trước đây, Mỹ được coi là "ngọn giáo" còn Nhật là "tấm khiên", trong đó Mỹ cung cấp sự bảo vệ với sức mạnh quân sự áp đảo. Song sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc được cho là không thể chống lại nếu Tokyo không gia tăng đáng kể sự đóng góp và hợp tác chặt chẽ với Washington.
Theo Nikkei Asia, quá trình hiện đại hóa quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật bao gồm hai yếu tố chính: chú trọng các lĩnh vực mới nổi như không gian vũ trụ và không gian mạng, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ cho phép hai bên hợp tác chặt chẽ hơn.
Một ví dụ cho thấy nỗ lực đó hiện diện tại căn cứ không quân Yokota ở khu vực Tokyo. Tường thuật trên Nikkei Asia cho hay, một nhóm phân tích thông tin gồm 30 thành viên đã bắt đầu hoạt động từ mùa thu năm ngoái, hợp nhất nhân sự từ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ.
Nhóm này thu thập, phân tích và phản hồi thông tin tình báo thu được từ các máy bay không người lái (UAV) MQ-9 của quân đội Mỹ, hoạt động từ căn cứ của Lực lượng phòng vệ trên biển ở tỉnh Kagoshima phía tây nam. Các UAV này cung cấp dữ liệu về các vụ xâm nhập không phận có thể xảy ra.
ĐỐI MẶT TRỞ NGẠI
Tuy nhiên, các vấn đề hậu cần cản trở sự hợp tác như vậy. "Chúng tôi không thể liên lạc với quân đội Mỹ về thông tin nhạy cảm", một quan chức cấp cao của SDF nói với Nikkei Asia. SDF và lực lượng Mỹ tại Nhật sử dụng sóng vô tuyến ở tần số khác nhau nên không thể truyền thông tin mã hóa cho nhau, gây trở ngại cho khả năng phối hợp trong trường hợp khẩn cấp.
Có những lo ngại rằng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản có thể không liên lạc được một cách an toàn với các thiết bị tiên tiến sẽ được sử dụng bởi trung đoàn duyên hải thủy quân lục chiến mới mà Mỹ dự định triển khai ở Okinawa vào năm 2025.
Nhật, Úc có thể cùng Mỹ và Philippines tuần tra Biển Đông
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez ngày 27.2 cho biết các bên đang thảo luận để lực lượng Úc và Nhật tham gia tuần tra chung với Philippines và Mỹ tại Biển Đông. "Các cuộc gặp đã được sắp xếp và có thể chúng ta sẽ thấy sự tham gia của Nhật và Úc. Họ muốn tham gia các cuộc tuần tra chung để đảm bảo quy tắc ứng xử và tự do hàng hải được duy trì", theo Reuters dẫn lời nhà ngoại giao Philippines.
Đạn dược là một vấn đề khác. Trong khi các tiêu chuẩn chung giữa 30 nước thành viên NATO giúp Mỹ và châu Âu dễ dàng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, thì Washington và Tokyo lại không có những tiêu chuẩn như vậy. Ngay cả những viên đạn có cùng cỡ nòng cũng có thể khác nhau về thành phần và hiệu suất, gây khó khăn cho việc chia sẻ.
Hai nước đã thảo luận về hiện đại hóa quan hệ đồng minh trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng có rất ít tiến triển trong gần một thập niên. Điều đó đã và đang thay đổi. Hai bên gần đây đã công bố một tài liệu vạch ra kế hoạch "cạnh tranh chiến lược" với Trung Quốc, gồm 3 nội dung: hiện đại hóa, tối ưu hóa thế trận lực lượng và mở rộng hợp tác.
Bộ Quốc phòng Nhật đã thảo luận về khả năng Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga phối hợp trong một cuộc xung đột ở Đài Loan. Tình huống như vậy sẽ là thách thức to lớn nếu không có khả năng xử lý nhiều mối đe dọa cùng lúc.
Bình luận (0)