Hôm qua (17.8), Reuters dẫn lời ông Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho biết cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn sẽ hướng đến một loạt các sáng kiến đầy tham vọng nhằm đạt được tiến bộ giữa 3 nước.
Bước tiến cho bức tranh an ninh chung
Phát biểu của ông Campbell được đưa ra trong một sự kiện diễn ra tại Viện Brookings (New York, Mỹ) vào ngày 16.8 (theo giờ địa phương). Ông Campbell khẳng định cuộc gặp sẽ "định hình mối quan hệ 3 bên cho thế kỷ 21".
Mặc dù vậy, ông cũng cho biết "có thể hình dung một tương lai với nhiều tham vọng hơn", nhưng "hãy thực hiện từng bước một để xây dựng một cách thích hợp để không vượt ra khỏi bối cảnh nội bộ từng nước". Điều phối viên Campbell cũng cho biết các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh sẽ là "một bước tiến đáng kể trong việc công nhận bức tranh an ninh chung mà mỗi quốc gia đang phải đối mặt" và "điều đó sẽ đòi hỏi các hành động chung".
Đến nay, Washington có các thỏa thuận phòng thủ chung chính thức với cả Tokyo và Seoul, nhưng giữa Tokyo và Seoul thì lại có nhiều bất đồng và cách biệt bắt nguồn từ yếu tố lịch sử. Theo Reuters, trong cuộc gặp lần này, 3 nước sẽ đạt nhiều thỏa thuận về quốc phòng và công nghệ.
Ông Campbell cũng ca ngợi lãnh đạo Nhật Bản lẫn Hàn Quốc trong việc hàn gắn bất đồng, và việc hàn gắn đó là "sáng kiến ngoại giao của thời hiện đại". Đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Kishida đã đến Seoul, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc trong 2 ngày. Ông Kishida trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật thăm Hàn Quốc sau 12 năm. Trước khi Thủ tướng Kishida thăm Hàn Quốc, Tổng thống Yoon hồi tháng 3 cũng đã có chuyến thăm Nhật Bản, đồng thời có những nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Seoul với Tokyo.
Tổng thống Biden đặt mục tiêu thắt chặt quan hệ Nhật Bản, Hàn Quốc
Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang "cảnh giác cao độ" trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn. Cũng theo tờ báo, với nhiều nhà quan sát thì cuộc gặp kia là một bước tiến mới cho việc xây dựng nên một NATO phiên bản châu Á.
Cơ hội để hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên
Trả lời Thanh Niên ngày 17.8, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) nhận xét: "Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ là cơ hội để tiến xa hơn trong việc tăng cường hợp tác an ninh giữa 3 nước".
Theo ông, động lực hợp tác 3 bên có được dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush đã mất từ lâu, phần lớn là do những hạn chế trong quan hệ song phương Nhật - Hàn.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc gây nhiều quan ngại khiến chính dư luận Hàn Quốc cũng ủng hộ một nhà lãnh đạo thực tế hơn chứ không phải chỉ cố xoa dịu CHDCND Triều Tiên để giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Yoon rất có thể sẽ né việc xác định rõ ràng các thách thức từ Bắc Kinh như một lý do để tăng cường hợp tác, mà thay vào đó sẽ vẫn tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh sẽ là một cơ hội tốt để 3 nước đưa ra chiến lược hợp tác giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên".
Vấn đề đáng lo nhất cho 3 nước trong việc hợp tác là liệu chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán khả thi với Triều Tiên có thể bao gồm (theo yêu cầu của Triều Tiên) các vấn đề như tình trạng của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và vũ khí hạt nhân của Mỹ có phải là đối tượng cần được kiểm soát hay không.
Thông điệp cho Trung Quốc
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) đặt vấn đề: "Yếu tố quan trọng thúc đẩy hợp tác 3 bên thuận lợi hơn là Hàn Quốc và Nhật Bản dường như đang cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, không rõ sự hợp tác giữa Tokyo và Seoul sẽ kéo dài bao lâu sau khi nội các hiện tại hết nhiệm".
"Sự hợp tác 3 bên được cải thiện sẽ cho phép Washington và các đồng minh hợp tác chặt chẽ hơn trước Bình Nhưỡng. Hợp tác chặt chẽ hơn giữa ba nước cũng có thể mang đến một thông điệp chính trị quan trọng cho Trung Quốc rằng sự hiện diện của Mỹ ở châu Á sẽ tiếp tục lâu dài. Các quốc gia khác trong khu vực có thể sẽ xem mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ - Nhật - Hàn như một sự cân bằng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng tương tự có thể thúc đẩy Trung Quốc, Nga và Triều Tiên càng gắn kết hơn", TS Heath phân tích.
Củng cố thế trận Đông Bắc Á
Mức độ hợp tác ngày càng tăng giữa 3 nước dựa vào các yếu tố: thách thức ngày càng lớn từ CHDCND Triều Tiên đối với cả 3 nước; Trung Quốc không có khả năng hoặc không sẵn sàng kiềm chế Triều Tiên; thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Mỹ và Nhật Bản.
Thực tế cho thấy Seoul không thể chỉ kỳ vọng vào Bắc Kinh để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Vì thế, Seoul cần sự hỗ trợ của Washington cũng như quan hệ của Tokyo với Washington. Trong khi Hàn Quốc không cảm thấy bị đe dọa trực tiếp bởi Trung Quốc, thì việc Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố "chuẩn bị cho chiến tranh" và giới thiệu các hệ thống tên lửa mới khiến Hàn Quốc gác lại bất đồng với Nhật Bản để ứng phó.
Đối với Mỹ, việc đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau sẽ củng cố thế trận ở khu vực Đông Bắc Á, giúp Mỹ có thêm nguồn lực tập trung nguồn lực giải quyết các quan ngại ở Biển Đông.
Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương)
Bình luận (0)