Văn kiện cuối cùng chưa được ký kết chính thức, nhưng Mỹ đã đàm phán thành công với Palau, Quần đảo Marshall và Cộng hòa Micronesia về thỏa thuận hợp tác mới thay thế cho thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Khế ước về liên kết tự do giữa Mỹ với Palau, Quần đảo Marshall và Micronesia hồi đầu thập kỷ 1980 và sắp hết hạn hiệu lực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội kiến Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr., Tổng thống Micronesia David Panuelo và Tổng thống Quần đảo Marshall David Kabua tại Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 9.2022 |
reuters |
Trên danh nghĩa, việc đàm phán chỉ là thủ tục pháp lý bình thường. Trong thực chất, chuyện gia hạn hay ký kết thỏa thuận hợp tác mới với các đảo quốc ở khu vực nam Thái Bình Dương lại có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Washington. Nguyên nhân nằm ở 3 đặc thù của thời cuộc hiện tại.
Thứ nhất, Mỹ và các đồng minh Úc, New Zealand đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Trung Quốc ở khu vực này. Tới nay, Trung Quốc đã gặt hái không ít thành quả quan trọng khi tranh thủ và lôi kéo các đảo quốc ở khu vực. Vì thế, Washington và đồng minh phải níu kéo các đối tác lâu năm trong khu vực.
Thứ hai, Mỹ dành ưu tiên chiến lược và chính sách cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực nam Thái Bình Dương nói chung và từng đảo quốc trong khu vực này nói riêng gia tăng đáng kể vị thế trong chính sách và chiến lược của Mỹ. Bắc Kinh tranh thủ và liên thủ được với các đảo quốc này thì sẽ vô cùng nguy hại đối với lợi ích chiến lược cơ bản và lâu dài của Washington ở khu vực.
Thứ ba, các đảo quốc trong khu vực ngày càng có thêm nhiều đối tác bên ngoài để lựa chọn hợp tác. Họ lại rất khôn khéo chơi con bài đối trọng. Nên Mỹ càng phải níu kéo đối tác đã có được.
Bình luận (0)