Theo báo cáo từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), hàng chục quốc gia - bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ - đã chịu ảnh hưởng từ các vụ tấn công của lực lượng Houthi. Ngay cả Iran, quốc gia mà Washington cáo buộc tài trợ vũ khí cho Houthi, cũng không tránh khỏi thiệt hại. Báo cáo đề cập vào tháng 2, tên lửa của Houthi đã bắn trúng tàu do Hy Lạp sở hữu, đang trên đường từ Brazil đến Iran, trang Breaking Defense đưa tin.
Houthi kìm chân hải quân Mỹ ở biển Đỏ bằng cách nào?
Các vụ tấn công cũng khiến 29 công ty lớn trong ngành vận tải và năng lượng phải thay đổi lộ trình, khiến chi phí bảo hiểm tăng vọt. Các đơn vị vận tải phải đắn đo giữa việc chấp nhận rủi ro khi đi qua biển Đỏ, cửa ngõ nối với kênh đào Suez, hoặc chọn hải trình dài và tốn kém hơn là vòng qua phía nam châu Phi.
"Từ tháng 12.2023 đến giữa tháng 2, vận chuyển container qua biển Đỏ đã giảm khoảng 90%, trong khi vận chuyển trên tuyến đường này chiếm khoảng 10 - 15% các tuyến thương mại hàng hải quốc tế", báo cáo của DIA có đoạn.
Từ năm 2023, lực lượng Houthi đã dùng tên lửa và máy bay không người lái tấn công các tàu thương mại trên biển Đỏ, tuyến hàng hải quan trọng ở Trung Đông. Mới đây, Houthi ngày 12.6 lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Hy Lạp. Reuters dẫn tuyên bố từ lực lượng Houthi cho hay tàu chở than Tutor bị hư hại nghiêm trọng và có nguy cơ bị chìm.
Lực lượng Houthi nói rằng họ nhắm đến các tàu được cho là có liên kết với Israel, tuy nhiên báo cáo của DIA đề cập các tàu dân sự bị tấn công không có hoặc rất ít liên quan đến Israel.
Vào tháng 12.2023, Mỹ đã triển khai kế hoạch đa quốc gia nhằm bảo vệ các tàu thương mại, bao gồm đẩy lùi các mối đe dọa trên biển và trên không. Mỹ và Anh cũng thường tổ chức các đợt tập kích trực tiếp vào cơ sở hạ tầng của Houthi tại Yemen.
Bình luận (0)