Mỹ nói tiêm kích Trung Quốc ‘mạnh bạo không cần thiết’ ở Biển Đông

31/05/2023 08:24 GMT+7

Quân đội Mỹ cho biết một máy bay tiêm kích của Trung Quốc đã bay cắt mặt một máy bay do thám của Mỹ trên Biển Đông.

Mỹ nói tiêm kích Trung Quốc ‘gây hấn không cần thiết’ ở Biển Đông - Ảnh 1.

Hình ảnh do quân đội Mỹ đưa ra cho thấy máy bay Trung Quốc tiến đến và bay cắt mặt máy bay do thám Mỹ trên Biển Đông hôm 26.5

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN

Đài CNN ngày 31.5 dẫn thông cáo của quân đội Mỹ cho hay một chiếc tiêm kích của Trung Quốc có "thao tác cơ động mạnh bạo một cách không cần thiết" khi cắt ngang đường bay của một máy bay do thám Mỹ trên không phận quốc tế ở Biển Đông.

Theo đó, chiếc J-16 của Trung Quốc đã bay cắt mặt chiếc RC-135 Rivet Joint của Mỹ hôm 26.5, buộc máy bay Mỹ phải bay qua vùng nhiễu động.

Mỹ nói tiêm kích Trung Quốc tạt đầu nguy hiểm trên Biển Đông

Trong đoạn phim do quân đội Mỹ đưa ra, sự nhiễu động là bằng chứng thể hiện rằng máy bay Trung Quốc đã làm ảnh hưởng máy bay Mỹ.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) cho hay chiếc RC-135 đang tiến hành "hoạt động an toàn và định kỳ" trong không phận quốc tế.

"Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu thuyền hoạt động một cách an toàn và có trách nhiệm ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và Lực lượng Liên quân Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục bay trong không phận quốc tế, quan tâm đến an toàn của tất cả các tàu và máy bay theo luật pháp quốc tế", theo thông cáo.

Phát ngôn viên Lưu Bằng Vũ của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington (Mỹ) không bình luận cụ thể, nhưng nói rằng trong thời gian dài, Mỹ đã "thường xuyên điều động máy bay, tàu do thám gần đối với Trung Quốc, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Trung Quốc".

"Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng các hành động khiêu khích nguy hiểm như vậy và ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc", Reuters dẫn thông tin phản hồi của ông Lưu liên quan tuyên bố của Mỹ.

Mỹ mời họp bộ trưởng quốc phòng, Trung Quốc từ chối

Phát ngôn viên này nói thêm rằng Trung Quốc sẽ "tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình, đồng thời hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

Vụ việc mới nhất diễn ra trước khi Trung Quốc từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về việc gặp mặt bên lề Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore từ ngày 2.6.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết kể từ năm 2021, Trung Quốc đã từ chối hoặc không trả lời nhiều yêu cầu đối thoại với Lầu Năm Góc nhằm tránh hiểu lầm và những hậu quả ngoài dự kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.