Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả ngày càng phổ biến

10/11/2017 19:48 GMT+7

Thông tin trên được Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7 - Phòng cảnh sát kinh tế - Công an TP.HCM nêu ra tại tọa đàm 'Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp'.

Chương trình do Báo Công an nhân dân phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV9) tổ chức tại TP.HCM hôm nay 10.11.
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, nổi bật trong thời gian qua là tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với phương thức hoạt động hết sức tinh vi. Thường hàng hóa giả được tổ chức sản xuất ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, rồi chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh đưa đi tiêu thụ. Vì vậy, việc thu giữ tang vật của cơ quan chức năng cũng khó bảo đảm về trị giá số lượng hàng giả để xử lý về hình sự và cũng khó để tìm ra đối tượng cầm đầu đường dây... Thường các đối tượng sản xuất hàng giả sản xuất thêm mặt hàng cùng loại theo đơn đặt hàng tương tự hàng giả cũng gây khó cho cơ quan điều tra.
Các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm làm giả được phát hiện đa số là hàng nhập lậu từ Trung Quốc không nhãn mác, về Việt Nam gắn nhãn mác rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. “Sản phẩm làm đẹp phụ nữ, các loại tăng cường sinh lý… các đối tượng có trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem sản phẩm đầy đủ. Đặc biệt, nhãn giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng. Hàng hóa cứ theo thị trường đang tiêu thụ mạnh loại nào thì hàng giả đều theo đó “đáp ứng” đủ và tung ta thị trường”, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang nón Sơn cho biết bản thân ông theo đuổi các vụ làm giả nón mang thương hiệu Sơn đã chục năm nay. Ông kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nhanh, dứt điểm các vụ án vi phạm, nhất là phải xử lý thật nghiêm để không còn tái phạm.
Nhận định vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây nhiều thiệt hại lớn cho nền kinh tế và việc chống buôn lậu, hàng giả là “nhiệm vụ chính trị của các bộ ngành, song còn xao nhãng”, ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại 389 quốc gia, cho rằng việc buôn bán hàng giả thu lợi nhuận rất lớn nên nhiều người vẫn bất chấp pháp luật để sản xuất, kinh doanh hàng giả nhằm thu lợi bất chính.
Ngoài ra, theo ông Ba, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, chặt chẽ nên thời gian tới Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ cố gắng khắc phục hoàn thiện kẽ hở này. Để chặn hàng giả trong thời điểm cuối năm, ông Ba cũng thông tin, văn phòng sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thành lập các đoàn để đi kiểm tra công tác chống hàng giả ở các bộ ngành, địa phương nhằm thúc đẩy việc phòng chống ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.