Mỹ phản ứng với tuyên bố mới về vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin

10/06/2023 15:19 GMT+7

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã lên tiếng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus có thể bắt đầu vào đầu tháng tới.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 9.6 nói rằng Washington không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ theo dõi quá trình chuẩn bị ở Belarus để tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga, theo Đài RT.

Mỹ phản ứng với tuyên bố mới về vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga có thể mang theo đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân

Reuters

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để giám sát. Chúng tôi không nhận thấy bất cứ điều gì khiến chúng tôi thấy rằng sắp có dấu hiệu di chuyển của các vũ khí hạt nhân, hoặc nguy cơ chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra bên trong Ukraine hoặc thậm chí trên lục địa (châu Âu)", CNN dẫn lời ông Kirby.

Ông Kirby đã có phản ứng tương tự vào cuối tháng 3, khi Nga lần đầu tiên tuyên bố sẽ đặt một số vũ khí hạt nhân của mình ở Belarus, để đáp trả việc Anh gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, theo RT.

Đặc phái viên Mỹ tại NATO: Ukraine sẽ không thể sớm gia nhập liên minh

"Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch", Tổng thống Putin ngày 9.6 nói với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, cho biết thêm vào cuối tuần đầu tiên của tháng 7, "việc chuẩn bị các cơ sở liên quan sẽ hoàn tất và chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu các biện pháp liên quan đến việc triển khai các loại vũ khí liên quan trên lãnh thổ của ông".

Trong tháng trước, Moscow và Minsk đã ký một hiệp ước về việc lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus. Các đầu đạn hạt nhân được gửi đến Belarus sẽ được gắn trên tên lửa Iskander-M và máy bay chiến đấu được sửa đổi dành riêng cho mục đích này, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Phía Nga đã chỉ ra thông lệ của Mỹ được gọi là "chia sẻ hạt nhân" mà đã có hiệu lực trong nhiều thập niên. Tính đến tháng 4.2022 ước tính có khoảng 150 vũ khí hạt nhân của Mỹ, chủ yếu là bom trọng lực B-61, đã được triển khai ở Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ba Lan gần đây cũng đã bày tỏ mong muốn chứa các đầu đạn hạt nhân của Mỹ, theo RT.

Mỹ nói chịu áp lực hiện đại hóa vũ khí hạt nhân từ Trung Quốc, Triều Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.