Cục Năng lượng trực tiếp thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu không quân (AFRL) tại căn cứ Kirtland, bang New Mexico (Mỹ) vừa qua thông báo tìm đối tác phát triển hệ thống vũ khí điện tử mới nhằm phòng thủ trước mối đe dọa ngày càng gia tăng của các bầy máy bay không người lái (UAV).
Theo thông báo, loại vũ khí mới được gọi là Mjolnir, tên chiếc búa của thần sấm Thor trong truyện thần thoại Na Uy. Đặc biệt, AFRL trước đó đã phát triển thành công hệ thống Phản ứng hoạt động năng lượng cao chiến thuật (THOR) để chống lại UAV.
Ông Amber Anderson, quản lý chương trình THOR cho biết vì THOR quá thành công nên cơ quan muốn phát triển dự án tiếp theo với tên gọi liên hệ với chương trình này.
|
THOR sử dụng chùm vi sóng năng lượng cao để vô hiệu hóa ngay lập tức các UAV. Theo trang Task & Purpose, THOR được thử nghiệm ít nhất từ năm 2019. Hệ thống này gồm một chiếc đĩa vệ tinh lớn đặt trên một thùng container dài khoảng 6 m. Hệ thống này có thể được vận chuyển dễ dàng bằng máy bay vận tải C-130 và 2 người chỉ mất 3 giờ để lắp đặt.
Hệ thống có thể phát hiện mối đe dọa đang tiến đến và âm thầm bắn ra chùm năng lượng để hạ các UAV trong khu vực rộng. AFRL tuyên bố THOR đã bắn hạ hàng trăm UAV trong các cuộc thử nghiệm, được cho là tại một khu vực ở châu Phi. Trưởng khoa học gia Richard Joseph của không quân Mỹ từng cho biết đã chứng kiến THOR hoạt động và ông khá ấn tượng.
|
AFRL cho hay Mjolnir sẽ sử dụng công nghệ giống THOR nhưng ở một cấp độ cao hơn. “Sau 2 năm thử nghiệm thành công, đội ngũ AFRL đã học được nhiều về những lợi ích của công nghệ này và cách cải thiện nó”, ông Anderson nói. Loại vũ khí mới sẽ có những cải tiến quan trọng về năng lực, độ tin cậy và tính sẵn sàng sản xuất.
Phó quản lý chương trình THOR Adrian Lucero cho hay mục tiêu của AFRL là tạo ra bản thiết kế để sản xuất hệ thống mới với số lượng lớn. Ông Lucero dự báo chương trình sẽ khởi động vào mùa thu này và mẫu vũ khí đầu tiên sẽ được giao vào năm 2023.Không quân Mỹ phát triển loại vũ khí mới trong bối cảnh giới lãnh đạo và chuyên gia quân sự cảnh báo về công nghệ bầy UAV của các đối thủ. Những UAV nhỏ, giá rẻ, tự hoạt động dựa trên hệ thống định vị GPS, được gắn thêm chất nổ hay vũ khí sinh hóa hoàn toàn có thể biến thành những vũ khí tầm gần chính xác.
Để đối phó mối đe dọa này, quân đội Mỹ cần loại vũ khí có thể đánh trúng mục tiêu với số lượng lớn mà không lo hết đạn. Lưới hoặc súng săn là những lựa chọn hứa hẹn nhưng chỉ hữu dụng ở tầm gần.
Tầm hoạt động của THOR chưa được tiết lộ nhưng giới nghiên cứu ước tính vũ khí năng lượng trực tiếp chống UAV có tầm bắn khoảng 1 km. Dù là vũ khí năng lượng trực tiếp nhưng THOR không giống laser. Vì laser chỉ có thể hạ mỗi lần một mục tiêu nhưng THOR có thể vô hiệu hóa nguyên một bầy UAV bằng một lần bắn.
Bình luận (0)