Mỹ phê duyệt loại thuốc đầu tiên có thành phần chính làm từ phân người

04/05/2023 11:08 GMT+7

Mỹ đã phê duyệt loại thuốc đầu tiên được bào chế từ các lợi khuẩn thu thập trong phân người. Loại thuốc này được dùng để điều trị một số bệnh viêm ruột nguy hiểm, tiện lợi hơn rất nhiều so với thủ thuật cấy ghép phân.

Viên thuốc có tên là Vowst, được dùng để điều trị và ngăn ngừa viêm đường ruột do vi khuẩn Clostridioides difficile, gọi tắt là C.diff. Loại viêm đường ruột này có thể diễn biến nghiêm trọng, thậm chí gây suy nội tạng và tử vong. Bệnh có thể gây tiêu chảy, sốt, đau bụng, chán ăn, sụt cân, tim đập nhanh hay viêm đại tràng, theo tờ The Independent (Anh).

Mỹ phê duyệt loại thuốc đầu tiên có thành phần chính làm từ phân người - Ảnh 1.

Thuốc Vowst trở thành viên thuốc đầu tiên làm từ lợi khuẩn thu thập từ phân người được FDA phê duyệt

SHUTTERSTOCK

Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt Vowst. Đây là loại thuốc đầu tiên dạng này được phê duyệt tại Mỹ. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn C.diff. Thành phần chính của thuốc là các lợi khuẩn đường ruột thu thập từ phân người khỏe mạnh.

"Sự chấp thuận của FDA mang đến cho bệnh nhân và các cơ sở chăm sóc sức khỏe một cách mới để ngăn ngừa bệnh viêm ruột do vi khuẩn C.diff gây ra", tiến sĩ Peter Marks, đại diện Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, cho biết.

FDA phê duyệt thuốc Vowst sau khi dựa vào kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 182 người. Trong đó, có 89 người dùng thuốc Vowst, 93 người còn lại dùng giả dược. Tất cả đều từ 18 tuổi trở lên.

Bệnh nhân sẽ uống 4 viên/ngày trong 3 ngày liên tục. Khoảng 8 tuần sau đó, tỷ lệ tái phát viêm ruột của nhóm uống thuốc Vowst chỉ là 12,4%, trong khi nhóm dùng giả dược đến gần 40%.

Công ty phát triển thuốc Vowst là Seres Therapeutics. Họ cho biết bệnh nhân sẽ cần dùng 12 viên trong suốt lộ trình điều trị với tổng chi phí là 17.500 USD (khoảng hơn 400 triệu đồng). Mỗi viên sẽ có giá gần 1.500 USD (khoảng 34 triệu đồng).

Viêm ruột do vi khuẩn C.diff thường tấn công các bệnh nhân lớn tuổi trong bệnh viện hay các cơ sở chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão. Tại Mỹ, mỗi năm nước này ghi nhận khoảng 200.000 ca nhiễm vi khuẩn C.diff.

Các bác sĩ sẽ điều trị bằng cách khôi phục trạng thái cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột bệnh nhân. Họ sẽ đề nghị bệnh nhân cấy ghép phân từ người khỏe mạnh.

Bằng cách này, lợi khuẩn từ phân người hiến sẽ được đưa trực tiếp vào trực tràng người bệnh. Các lợi khuẩn sẽ phát triển, cuối cùng cân bằng được với các vi khuẩn có hại như C.diff. Tất nhiên, người hiến phân sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để phân họ đủ điều kiện cấy ghép và không chứa mầm bệnh, theo The Independent.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.