Mỹ phóng tàu vũ trụ khởi đầu sứ mệnh đưa con người quay lại mặt trăng

16/11/2022 16:05 GMT+7

NASA vào ngày 16.11 đã phóng tên lửa mặt trăng thế hệ tiếp theo mang theo tàu vũ trụ không người lái trong chuyến bay đầu tiên nhằm chuẩn bị cho việc đưa con người quay lại mặt trăng.

Hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ mang theo tàu vũ trụ không người lái Orion rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 16.11

reuters

Reuter đưa tin hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ (SLS) 32 tầng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã rời bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida vào lúc 13 giờ 47 phút ngày 16.11 (giờ VN). Tên lửa mang theo tàu vũ trụ không người lái Orion trong hành trình bay quanh mặt trăng kéo dài ba tuần.

Đây là vụ phóng khởi đầu chương trình thám hiểm Artemis của NASA sau khi sứ mệnh mặt trăng Apollo kết thúc năm 1975. Vụ phóng này đã bị hoãn 2 lần trong 10 tuần vì những vấn đề kỹ thuật và thời tiết.

Vì sao Artemis - "nhiệm vụ mặt trăng mới" của NASA lại quan trọng?

Được đặt tên là Artemis I, vụ phóng đánh dấu chuyến bay đầu tiên của tên lửa SLS do Boeing chế tạo và tàu vũ trụ Orion do Lockheed Martin sản xuất theo hợp đồng với NASA.

Sứ mệnh Artemis I cũng báo hiệu một sự thay đổi lớn về phương hướng của các chương trình đưa con người vào không gian thời kỳ hậu Apollo của NASA. Nhiều thập niên qua, NASA chỉ tập trung vào việc đưa con người lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.

Artemis, tên nữ thần săn bắn của Hy Lạp cổ đại và là em gái song sinh của Apollo, được tạo ra để đưa các phi hành gia quay lại mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025. Chương trình hy vọng xây dựng một trạm không gian trên mặt trăng để làm bước đệm cho những chuyến hành trình của con người tới sao Hỏa.

Khoảng 100.000 người đã có mặt trên bờ biển để theo dõi vụ phóng này.

Tầng trên của tên lửa được thiết kế để đưa tàu vũ trụ Orion ra khỏi quỹ đạo Trái Đất. Trong chuyến bay kéo dài 25 ngày, Orion sẽ được đưa đến khu vực cách bề mặt mặt trăng 97 km rồi di chuyển khoảng 64.374 km vượt ra ngoài mặt trăng, sau đó quay trở lại Trái Đất. Orion dự kiến ​​​rơi xuống biển vào ngày 11.12.

Nếu Artemis I thành công, sứ mệnh Artemis II đưa phi hành gia bay quanh mặt trăng và quay lại Trái Đất có thể diễn ra sớm nhất là vào năm 2024. Vài năm sau đó, sứ mệnh Artemis III sẽ đưa các phi hành gia, trong đó có phụ nữ, hạ cánh xuống mặt trăng.

Việc đưa các phi hành gia lên sao Hỏa, một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với việc hạ cánh xuống mặt trăng, dự kiến ​​mất ít nhất 15 năm nữa mới có thể diễn ra.

Trải qua hơn một niên kỷ phát triển với nhiều năm trì hoãn và vượt ngân sách, tổ hợp SLS-Orion cho đến nay đã tiêu tốn của NASA ít nhất 37 tỉ USD cho việc thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và tạo ra cơ sở vật chất trên mặt đất. Văn phòng Tổng thanh tra của NASA dự kiến ​​tổng chi phí cho sứ mệnh Artemis là 93 tỉ USD vào năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.