Giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa CHDCND Triều Tiên quay trở lại danh sách “bảo trợ khủng bố”.
Sau 9 năm vắng bóng, cái tên CHDCND Triều Tiên một lần nữa xuất hiện trong danh sách các quốc gia “bảo trợ chủ nghĩa khủng bố” do Mỹ thiết lập, bên cạnh Iran, Syria và Sudan.
Trong cuộc gặp với nội các tại Nhà Trắng hôm 20.11, Tổng thống Trump đã chính thức công bố quyết định trên, nhấn mạnh điều này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu. “Bên cạnh thái độ đe dọa thế giới bằng sự tàn phá hạt nhân, Triều Tiên liên tục ủng hộ các hành động khủng bố quốc tế, bao gồm các vụ ám sát ở nước ngoài”, theo Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Mỹ.
Động thái trên cho phép Washington đặt ra thêm biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đồng thời càng làm trầm trọng hơn nguy cơ xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
Một ngày sau tuyên bố trên, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm “gia tăng áp lực tối đa” đối với chính quyền Bình Nhưỡng và “những đối tượng liên quan”. Lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh: “Đây sẽ là mức độ trừng phạt ở cấp cao nhất vào thời điểm hoàn tất việc triển khai trong 2 tuần nữa”.
Vẫn chưa rõ nội dung chi tiết của các biện pháp mà Tổng thống Trump cho rằng sẽ giúp Triều Tiên dần đi vào “khuôn khổ”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận xét Bình Nhưỡng đã bắt đầu cảm thấy sức ép từ các lệnh cấm vận trước đó, bằng cách liệt kê thông tin tình báo cho thấy nước này hiện đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và thu nhập giảm, theo tạp chí Newsweek.
Đài NPR dẫn lời giới phân tích dự đoán Washington đang muốn xử lý các ngân hàng hạng trung hoặc lớn của Trung Quốc có quan hệ với Triều Tiên. “Nếu ngân hàng Trung Quốc có mặt trong danh sách cấm vận, các thiết chế lớn trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ ngưng giao dịch với ngân hàng đó”, như nhận định của luật sư Stephen Heifetz chuyên về các chiến lược đầu tư nước ngoài của Mỹ. Thế nhưng biện pháp này có thể dẫn đến hậu quả là Trung Quốc trả đũa, hứa hẹn làm bùng nổ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Các đồng minh của Mỹ tại khu vực lập tức bày tỏ sự ủng hộ với động thái mới từ Nhà Trắng. Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe lên tiếng: “Tôi hoan nghênh và ủng hộ quyết định này”. Ông Abe cho rằng đây là biện pháp giúp gia tăng áp lực và buộc Bình Nhưỡng phải quay về bàn đàm phán. Còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mong đợi điều này sẽ góp phần tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân trong hòa bình.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lại tuyên bố bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng phức tạp và nhạy cảm, đề nghị các bên thận trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định có thể đẩy tình hình đến mức vô phương kiểm soát.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, Đài CNBC dẫn lời giới chuyên gia dự báo Bình Nhưỡng đang “chuẩn bị” cho một sự kiện lớn. Về phần mình, Hàn Quốc cho biết đang theo dõi sát sao tình hình giới tuyến liên Triều để đề phòng bất ổn nổ ra.
Bình luận (0)