Mỹ ráo riết cứu đập ở California

16/02/2017 07:17 GMT+7

Chính quyền ở bang California (Mỹ) đã dỡ bỏ lệnh sơ tán gần 200.000 người trong vùng sau khi đập Oroville được gia cố thành công.

AFP ngày 15.2 đưa tin khoảng 188.000 người sống ở vùng hạ lưu đập Oroville tại bắc California (Mỹ) được lệnh sơ tán 3 ngày trước đó nay có thể trở về nhà. Cảnh sát trưởng hạt Butte, ông Kory Honea cho biết chính quyền sở tại đã dỡ bỏ lệnh sơ tán bắt buộc và thay bằng khuyến cáo sơ tán. Tuy nhiên, ông Honea cảnh báo nhà chức trách có thể ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp khác nếu thấy cần thiết.
Liên bang vào cuộc
Động thái trên diễn ra sau khi đập tràn khẩn cấp của đập Oroville cao 230 m có nguy cơ bị vỡ do lượng nước chảy xiết làm xói mòn đập tràn, đe dọa gây lũ lụt cho thành phố Oroville và các thị trấn lân cận dọc sông Feather. Đây là lần đầu tiên trong gần 50 năm, đập Oroville rơi vào tình huống khẩn cấp do mưa lớn kéo dài suốt gần 1 tuần. Ngay lập tức, chính quyền bang California đã huy động lực lượng để gia cố đập. Họ sử dụng 40 xe tải liên tục chở đá đến gia cố khu vực bị xói mòn trên đập tràn khẩn cấp. Bên cạnh đó, 2 chiếc máy bay trực thăng cũng đã được huy động thả các bao đá xuống khu vực bị xói lở.
Nhờ các nỗ lực của nhà chức trách, mực nước trong hồ Oroville đã giảm xuống đáng kể, không còn đe dọa gây lũ lụt cho khu vực hạ lưu. Giới chức ở Cơ quan Quản lý tài nguyên nước bang California (DWR) cũng đã lên tiếng trấn an mọi người rằng những cơn bão sắp tới sẽ không còn đe dọa được đập tràn khẩn cấp, theo Reuters.
Trước tình trạng mưa lũ bất thường, Thống đốc bang California Jerry Brown đã kêu gọi chính phủ liên bang hỗ trợ. Lời kêu gọi của ông Brown được đáp ứng khi Tổng thống Donald Trump hôm qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang California, đồng thời cho phép Cơ quan Ứng phó tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) và Bộ An ninh nội địa phối hợp cứu trợ thiên tai cho bang này.
AFP đưa tin bang California đã đặt 23.000 thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia trong tình trạng trực chiến, sẵn sàng hỗ trợ sơ tán dân hoặc tham gia cứu trợ nếu cần thiết. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ điều quân lính hỗ trợ vận chuyển hàng không, cứu đập, chăm sóc y tế lẫn cung cấp chỗ ở cho người dân nếu cần.
Phớt lờ cảnh báo
Thực tế cho thấy các chuyên gia Mỹ từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ vỡ đập tại hồ Oroville khi giới chức hữu quan xem xét việc tái cấp phép vận hành cho đập này hồi năm 2005. Theo tạp chí Time, 3 nhóm môi trường ở Mỹ là Friends of the River, Sierra Club và South Yuba Citizen League thời điểm đó đã trình kiến nghị lên Cơ quan Quản lý nguồn năng lượng liên bang (FERC), kêu gọi nhà chức trách bang California và chính phủ nên chú ý đến các vấn đề thảm họa tiềm tàng tại đập Oroville. Thế nhưng, DWR rốt cuộc cho rằng việc sửa chữa đập Oroville là không cần thiết. Họ lý giải rằng đập Oroville và các cửa xả luôn vượt qua được mọi quy trình kiểm định an toàn. Sau đó, các quan chức liên bang cũng đã thống nhất với ý kiến này, theo tạp chí Time.
Ron Stork, một chuyên gia về ứng phó lũ lụt và cố vấn chính sách cho nhóm môi trường Friends of the River ở bang California, cũng kể lại rằng vào thời điểm trên, ông cùng các chuyên gia khác đã nỗ lực thu hút sự chú ý của giới chức bang cũng như liên bang về nguy cơ vỡ đập Oroville. “Đó quả là một lời tiên tri kỳ lạ”, tờ Time dẫn lời chuyên gia Stork hôm 14.2. Tuy nhiên theo lời ông Stork, giới chức bang khi đó đã lên tiếng trấn an ông cùng các chuyên gia khác đừng quá lo lắng vì mọi thứ ở đập Oroville vẫn trong tình trạng bình thường. Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Mỹ (ASCE) hồi năm 2012 cũng ước tính rằng bang California cần có quỹ dự phòng ít nhất 28 tỉ USD chỉ để bảo trì đê, đập và các hệ thống kiểm soát lũ tại bang trong vòng 10 năm.
Theo các chuyên gia, sự cố ở đập Oroville là một ví dụ về các dự án công trình công cộng hiện tại ở Mỹ không được bảo trì cũng như nhận được tài trợ hợp lý và chỉ nhận được sự chú ý khi cuộc sống của người dân gặp hiểm nguy. “Thảm họa đập Oroville là do chúng ta không quan tâm nhiều đến các cơ sở hạ tầng”, Giáo sư xã hội học Scott Myers-Lipton thuộc Đại học bang San Jose nhận định với tạp chí Time.

tin liên quan

California dỡ bỏ lệnh sơ tán do nước đã rút

Giới chức California đã dỡ bỏ lệnh sơ tán áp dụng cho các cư dân ở vùng hạ lưu Đập Oroville, cho hay con đập trải qua gia cố đã có thể cầm cự trước những cơn bão sắp tới.

Có vẻ nhận ra được mối hiểm họa tiềm tàng trên, chính quyền Tổng thống Trump cho biết tái thiết cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ và nhắc lại điều này một lần nữa hôm 14.2.
“Tình hình ở đập Oroville là một ví dụ điển hình về lý do tại sao chúng ta cần phải theo đuổi một gói cơ sở hạ tầng quan trọng tại quốc hội. Đập, cầu, đường và mọi cảng biển trên khắp đất nước hiện trong tình trạng hư nát. Để ngăn chặn thảm họa tiếp theo, chúng tôi sẽ lưu ý tổng thống quan tâm đến việc sửa chữa cơ sở hạ tầng xập xệ ở đất nước chúng ta”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố.
Bão hoành hành ở bang Texas
Tờ USA Today đưa tin nhiều nơi ở bang Texas (Mỹ) đã oằn mình gánh cơn bão lớn ngày 14.2. Với sức gió mạnh khoảng 80 km/giờ, bão đã làm tốc mái nhiều ngôi nhà và gây tê liệt hệ thống giao thông tại thị trấn Stafford. Ở thị trấn Fairchilds, bão phá hỏng nhiều ngôi nhà, đồng thời thổi bật gốc hàng loạt cây lớn. Thị trấn Van Vleck với khoảng 1.800 dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự, theo Đài Fox News. Ít nhất 7 cư dân tại đây phải nhập viện song vết thương không quá nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.