Mỹ sẵn sàng di tản sứ quán ở Sudan nhưng sẽ 'không dễ dàng'

21/04/2023 12:54 GMT+7

Lầu Năm Góc huy động thêm binh sĩ để sẵn sàng cho tình huống Mỹ buộc phải di tản đại sứ quán khỏi Sudan.

Tờ The Guardian ngày 21.4 đưa tin Lầu Năm Góc chuẩn bị gửi thêm một số lượng lớn binh sĩ đến trại quân sự Lemonnier ở Djibouti để sẵn sàng cho tình huống Mỹ phải di tản đại sứ quán nước này khỏi Sudan, sau khi các phe phái đối lập phá vỡ lệnh ngừng bắn.

Mỹ sẵn sàng di tản đại sứ quán ở Sudan nhưng sẽ 'không dễ dàng' - Ảnh 1.

Khói bốc lên tại trên sân bay ở thủ đô Khartoum của Sudan ngày 20.4

AFP

Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, Mỹ đang triển khai các khả năng bổ sung gần khu vực giao tranh để phòng các tình huống xấu, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên đại sứ quán rời Sudan nếu hoàn cảnh bắt buộc.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu công dân nước này ở Sudan tiếp tục trú ẩn trong nhà và cho biết tình hình an ninh không chắc chắn ở Khartoum và việc đóng cửa sân bay khiến việc sơ tán không đảm bảo an toàn, tờ The New York Times đưa tin.

Khủng hoảng Sudan: Nguy cơ được mất gì cho các cường quốc?

Kế hoạch triển khai binh sĩ đến trại Lemonnier đã được tiến hành từ đầu tuần này, sau khi Đại sứ quán ở thủ đô Khartoum bị tấn công. The Guardian dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Djibouti, nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia trên vịnh Aden, sẽ là điểm khởi đầu cho các hoạt động sơ tán.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc sơ tán nào trong hoàn cảnh hiện tại đều gặp nhiều khó khăn và rủi ro an ninh vì sân bay ở Khartoum vẫn tê liệt, trong khi các tuyến đường bộ từ thủ đô ra khỏi đất nước rất dài và nguy hiểm ngay cả khi giao tranh không nổ ra.

Mỹ sẵn sàng di tản đại sứ quán ở Sudan nhưng sẽ 'không dễ dàng' - Ảnh 2.

Nhiều người Sudan tìm cách sơ tán trong ngày 20.4

REUTERS

Giao tranh giữa các phe phái quân sự đối địch ở Sudan nổ ra vào tuần trước. Các trận chiến khốc liệt nhất giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã diễn ra xung quanh Khartoum, một trong những thành phố lớn nhất của châu Phi và ở Darfur, nơi vẫn còn vết sẹo sau cuộc xung đột tàn khốc kết thúc 3 năm trước, theo đài CNN.

Tính đến ngày 21.4, giao tranh vẫn chưa ngã ngũ. Tình trạng bạo lực lan rộng đã khiến hơn 330 người chết và gần 3.200 người bị thương. Điều này đã đẩy quốc gia vốn phụ thuộc vào viện trợ lương thực từ nước ngoài rơi vào tình trạng mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) gọi là “thảm họa nhân đạo”.

Phe phái đánh nhau, người dân Sudan lo sợ giữa hỗn loạn

Hôm 20.4, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn trong 3 ngày nhân lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo và cho phép dân thường đến nơi an toàn hơn. 

RSF cho biết họ đã đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ trên cơ sở nhân đạo, từ 6 giờ sáng ngày 21.4 trùng với ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy nhiên, quân đội Sudan vẫn chưa có quyết định về việc ngừng bắn, theo hãng tin Reuters.

Trước khi RSF đồng ý ngừng bắn, đã có báo cáo về việc các tay súng đột nhập vào nhà và tấn công dân thường, trong đó có một đại sứ châu Âu. Sân bay quốc tế ở Khartoum tiếp tục trở thành mục tiêu của các cuộc pháo kích dữ dội. Nhiều máy bay bị phá hủy nằm rải rác trên đường băng. Mọi hoạt động giao thông hàng không ở sân bay này đều bị đình chỉ.

“Bộ Quốc phòng, thông qua Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, đang theo dõi tình hình ở Sudan và tiến hành lập kế hoạch thận trọng cho các tình huống bất ngờ khác nhau”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Phil Ventura cho biết.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên công bố kế hoạch sơ tán công dân. Tuy nhiên, việc này vẫn chỉ đang dừng ở bước lập kế hoạch bởi nhiều khó khăn trên thực tế. 

Lần gần nhất Mỹ sơ tán nhân viên đại sứ quán bằng đường bộ là từ Libya vào tháng 7. 2014. Khi đó, 1 đoàn xe quân sự lớn của Mỹ chở nhân viên từ Đại sứ quán ở Tripoli đến Tunisia. Lầu Năm Góc cũng tiến hành nhiều cuộc sơ tán gần đây, đáng chú ý nhất là ở Afghanistan và Yemen, song các hoạt động đó chủ yếu được tiến hành bằng đường hàng không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.