Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Nvidia và ASML đang đóng vai trò quan trọng để Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Nvidia, với vị thế dẫn đầu trong thị trường GPU cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), và ASML, công ty Hà Lan duy nhất cung cấp thiết bị in thạch bản cực tím (EUV), đang trở thành những mục tiêu chiến lược trong nỗ lực của Mỹ.
Mỹ coi vai trò của hai công ty này là thiết yếu trong việc ngăn chặn Trung Quốc phát triển các vũ khí tiên tiến được hỗ trợ bởi các mạch tích hợp hiện đại mà Nvidia thiết kế và ASML sản xuất. Tuy nhiên, không chỉ có Nvidia và ASML, nhiều đối thủ khác trong ngành chip cũng đang tham gia vào "cuộc chiến bán dẫn".
Báo cáo từ Bloomberg cho biết, TSMC, Intel, Samsung và GlobalFoundries đều trở thành mục tiêu mới trong các hạn chế mà chính phủ Mỹ muốn áp dụng. Các biện pháp trừng phạt trong hai năm qua đã cấm các công ty này cung cấp chất bán dẫn tiên tiến nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc và giờ đây Mỹ đang xem xét việc thắt chặt thêm các quy định này.
Chính phủ Mỹ cho rằng các chip có ít hơn 30 tỉ bóng bán dẫn được sản xuất bằng các công nghệ trưởng thành không phải là mối đe dọa và có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các chip 14 nm và 16 nm với hơn 30 tỉ bóng bán dẫn sẽ không được phép giao cho Trung Quốc hoặc các đồng minh của nước này, bao gồm cả Iran và Nga. Dù vậy, TSMC, Intel, Samsung và các nhà sản xuất khác có thể xin giấy phép xuất khẩu nếu cần thiết.
Các quy định mới này cho thấy Mỹ vẫn giữ quyền kiểm soát đối với công nghệ và bằng sáng chế, ảnh hưởng đến các công ty không phải của Mỹ như TSMC và Samsung. Lợi ích địa chính trị của Hàn Quốc và Đài Loan hiện phù hợp với lợi ích của Mỹ, điều này khuyến khích họ tuân thủ các quy định của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thông qua các quy định này hay không, đặc biệt khi mà ông Donald Trump sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20.1 tới.
Bình luận (0)