Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đề nghị Mỹ cần có những biện pháp đối đầu mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Nhà Trắng phản đối.
Tàu khu trục USS Lassen tiến vào Biển Đông để tuần tra xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông, tháng 10.2015 - Ảnh: Facebook tàu Lassen |
Các chuyên gia nhận định Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ còn 9 tháng nữa là hết nhiệm kỳ nên muốn hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ giải trừ hạt nhân cho đến hợp tác thương mại, hơn là đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông, theo trang tin Navy Times (Mỹ) ngày 6.4.
“Chính quyền ông Obama muốn kết thúc nhiệm kỳ êm thắm và tăng cường hợp tác tối đa với Trung Quốc”, ông Jerry Hendrix, đại tá hải quân Mỹ về hưu - chuyên gia quốc phòng thuộc tổ chức nghiên cứu Trung tâm vì nền an ninh Mỹ Mới, nhận định.
Ông Harris và các lãnh đạo quân đội trong cuộc họp kín gần đây lên tiếng cảnh báo Trung Quốc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, nỗ lực bành trướng nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Nhưng Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 18.3 ban hành một chỉ thị lệnh cho các lãnh đạo quân đội tránh bình luận về những hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trước thềm cuộc hội đàm riêng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở thủ đô Washington (31.3 - 1.4), một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cho hay chỉ thị này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc hội đàm giữa ông Obama và ông Tập. Nhưng các lãnh đạo quân đội xem đây là chỉ thị “bịt miệng” họ.
Chính quyền ông Obama đang cố tìm biện pháp hiệu quả để ngăn chặn hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh xây dựng đường băng, cơ sở quân sự trên những đảo nhân tạo này mà theo Washington là nhằm quân sự hóa Biển Đông.
Nhưng giới phê bình ở Mỹ cho rằng biện pháp “chờ và xem” tình hình Biển Đông của chính quyền Obama đã thất bại vì hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
“Nhà Trắng chần chừ do không muốn đối đầu với Trung Quốc dẫn đến hậu quả là đưa ra chính sách không quyết đoán, không thể ngăn chặn việc Trung Quốc cố giành thế bá chủ trên biển, khiến các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực hoang mang”, thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trả lời phỏng vấn Navy Times.
Ông McCain cho biết thêm hành động thách thức luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông phải đối mặt với biện pháp đáp trả kiên quyết, mạnh mẽ hơn của Mỹ.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris (giữa) - Ảnh: Reuters
|
Theo Navy Times, ông Harris từ chối tiết lộ những biện pháp đối đầu mà ông đề xuất trong cuộc họp kín, nhưng các quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ rằng ông Harris đề xuất tăng cường tuần tra đảm bảo tự do hàng hải “thực thụ”, áp sát các đảo nhân tạo.
Những cuộc tuần tra đi sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Trường Sa kể từ tháng 10.2015 được thực hiện tuân thủ khoản 1 điều 19 về “qua lại không gây hại” trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Trong quá trình “qua lại không gây hại”, các tàu chiến không không được triển khai máy bay từ boong tàu hoặc sử dụng vũ khí trên tàu, chỉ đơn giản di chuyển từ điểm A sang điểm B.
Chẳng hạn, giới chuyên gia nhận xét khu trục hạm USS Lassen của Mỹ hồi tháng 10.2015 đã đi sâu vào vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo ở Trường Sa, đã vô tình thừa nhận chủ quyền Bắc Kinh tại đây vì tuân thủ điều luật “qua lại không gây hại”.
“Tuần tra đảm bảo tự do hàng hải kiểu này chỉ giúp trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, chứ không thể ngăn chặn Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford cảnh báo.
Chuyên gia Bryan Clark thuộc trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ, cho rằng ông Harris muốn tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông không dừng lại ở việc “qua lại không gây hại”, mà phải kèm theo chiến dịch quân sự, chẳng hạn triển khai trực thăng từ boong tàu chiến, thu thập thông tin tình báo sâu vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo…
“Những cuộc tuần tra như vậy mới có thể gửi thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc rằng Hải quân Mỹ không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa”, ông Clark cho biết thêm.
Đại tá không quân Mỹ Sean Liedman, một chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ phải có biện pháp quyết đoán, mạnh tay hơn với Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính quyền ông Obama theo đuổi chính sách tránh đối đầu với Trung Quốc, nhưng nếu không ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông thì làm tăng nguy cơ xung đột, theo nhận định của ông Hendrix.
Bình luận (0)