Mỹ sẽ hỗ trợ các nước khai thác khoáng sản để giảm phụ thuộc Trung Quốc

12/06/2019 06:00 GMT+7

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hoạch hỗ trợ các nước phát triển nguồn khoáng sản như liti, đồng và coban, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về những khoáng sản quan trọng đối với ngành công nghiệp kỹ thuật cao.

Trong thời gian gần đây, Washington quan ngại về việc phụ thuộc vào khoáng sản nhập khẩu sau khi có tin Bắc Kinh xem xét cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ giữa lúc chiến tranh thương mại song phương leo thang.
Các công ty quốc phòng Mỹ Raytheon và Lockheed Martin dùng đất hiếm trong hệ thống hướng dẫn và bộ cảm biến cho tên lửa. Đất hiếm cũng rất cần thiết cho những thiết bị quân sự quan trọng khác như động cơ máy bay, laser, và thiết bị nhìn xuyên đêm.
Theo Reuters, 80% lượng đất hiếm nhập vào Mỹ trong giai đoạn 2014-2017 là từ Trung Quốc trong khi hiện nay không có nhiều bên cung cấp khác có thể cạnh tranh với Trung Quốc.
“Hơn 80% chuỗi cung cấp đất hiếm toàn cầu bị một nước kiểm soát. Việc dựa vào bất kỳ một nguồn nào làm gia tăng nguy cơ bị gián đoạn về nguồn cung”, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo trong tài liệu về kế hoạch hỗ trợ các nước phát triển khoáng sản, được gọi là Sáng kiến quản lý nguồn năng lượng.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chia sẻ kỹ thuật khai thác nhằm hỗ trợ phát hiện và phát triển nguồn khoáng sản cũng như tư vấn cách quản lý nhằm đảm bảo ngành công nghiệp của các nước hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế.
[VIDEO] Chiến tranh thương mại căng thẳng, Mỹ lo ngại Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm
Bước đi này được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung khoáng sản toàn cầu có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới. Nhu cầu về khoáng sản năng lượng thiết yếu có thể gia tăng gần 1.000% vào năm 2050, theo ước tính của giới chuyên gia.
Kế hoạch nói trên được đưa ra khoảng một tuần sau khi Bộ Thương mại Mỹ đề xuất những biện pháp khẩn cấp nhằm thúc đẩy sản xuất những “khoáng sản quan trọng” trong nước, như cung cấp khoản vay với lãi suất thấp cho các công ty khai khoáng và yêu cầu giới công nghiệp quốc phòng “mua hàng Mỹ”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.