Mỹ sẽ kết hợp sức mạnh hạm đội 3 và 7 để đối phó Trung Quốc

15/06/2016 07:00 GMT+7

Hải quân Mỹ cần dùng sức mạnh kết nối giữa Hạm đội 7 và 3 của Hạm đội Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương ngày 14.6 cho biết.

Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) ngày 14.6, Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tiết lộ rằng Hạm đội Thái Bình Dương sẽ thay đổi chiến lược sang kết hợp sức mạnh của 2 Hạm đội 3 và 7 nhằm đối phó với “biến động” ở châu Á, cụ thể là với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hạm đội 7 (có căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản) và Hạm đội 3 (căn cứ ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ) hiện bị chia cắt phạm vi hoạt động bởi Đường đổi ngày quốc tế gần bang Hawaii, theo ông Swift.
Hạm đội 3 có nhiệm vụ chính là bảo vệ nước Mỹ, trong khi Hạm đội 7 chịu trách nhiệm mọi thứ từ Hawaii, đến vùng biển Tây Thái Bình Dương, cả khu vực biên giới Ấn Độ - Pakistan cho đến Biển Đông.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (Hạm đội 3) đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập ngoài khơi bờ biển Nam California ngày 10.6.2016. Hạm đội Thái Bình Dương sẽ kết nối 2 hạm đội 3 và 7 để có thể đối phó với Trung Quốc, theo chiến lược mới của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift Hải quân Mỹ
Việc kết hợp Hạm đội 3 và 7 đồng nghĩa với việc các tàu chiến Hạm đội 3 sẽ mở rộng hoạt động ở tây Thái Bình Dương vốn là khu vực hoạt động của Hạm đội 7.
Đô đốc Swift cho hay Hải quân Mỹ nên gỡ bỏ rào cản “Đường đổi ngày quốc tế” để tận dụng “sức mạnh kết hợp” hai hạm đội này tạo thành một lực lượng hùng mạnh với tổng cộng 140.000 lính hải quân, trên 200 tàu chiến và 1.200 máy bay.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động khắp thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, với sức mạnh kết hợp toàn diện của Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm cả Hạm đội 3 và 7”, ông Swift nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ quan ngại trước những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ tập trận chung với Nhật Bản trên biển Nhật Bản năm 2014 Reuters
Ông Swift đưa ra bình luận trên vài ngày sau khi một tàu hộ tống Trung Quốc lần đầu tiên di chuyển vào “vùng tiếp giáp” gần đảo do Nhật Bản kiểm soát ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc thời gian qua đã xây các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm mục đích quân sự và để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Trước hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Washington đã liên tục điều tàu chiến tuần tra đảm bảo “tự do hàng hải”, áp sát những đảo nhân tạo phi pháp; và động thái này đã nhiều lần "chọc giận" Bắc Kinh, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.