(TNO) Nếu Mỹ điều tàu chiến và máy bay tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông, Washington có nguy sơ sập bẫy, tạo cớ cho Trung Quốc quân sự hóa những đảo nhân tạo.
Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Hải quân Mỹ tuần tra trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông, và tàu chiến Trung Quốc bám sát phía sau, hồi tháng 5.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Sau nhiều tháng lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nếu Mỹ không có hành động cụ thể thì chính sách ngoại giao “đường ranh đỏ” và chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Barack Obama có thể bị coi là thất bại, theo The Australian Financial Review (Úc) ngày 19.10.
Tờ báo Úc này cũng nhận định, nguy cơ đối đầu quân sự Mỹ - Trung Quốc khá thấp, nhưng Mỹ sẽ mắc bẫy Trung Quốc khi đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo.
Theo tiến sĩ Euan Graham, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy (Mỹ) thì “Trung Quốc vẫn còn thiếu những cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo để tiến hành chiến dịch đáp trả Mỹ”.
Ông Graham phân tích, khi lực lượng Hải quân Mỹ tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp, Washington có thể “trao tặng” cho các lãnh đạo quân sự Trung Quốc một cơ hội tuyệt vời để ra lệnh tiến hành “những biện pháp phòng thủ”, đó chính là giai đoạn quân sự hóa trong dự án xây đảo nhân tạo phi pháp.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc phần nào đã hé lộ về “cái bẫy Biển Đông”.
Tân Hoa xã hồi tuần rồi đưa tin, Bắc Kinh cảnh báo “Mỹ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu dùng những biện pháp quân sự thách thức Trung Quốc”, buộc Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác là tăng cường phòng thủ ở những đảo nhân tạo, theo tờ The Sydney Morning Herald (Úc).
Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi cuối tháng 9.2015, các tàu hải quân Trung Quốc được cho là đã đi vào lãnh hải Mỹ ở ngoài khơi bang Alaska. Đây là cách Bắc Kinh “dụ dỗ” Hải quân Mỹ phản ứng, để từ đó có cớ phản ứng tương tự khi tàu chiến áp sát đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo ông Graham. Và ông đề xuất, các nhà chiến lược Mỹ nên dự trù phương án đối phó với việc Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa.
Việc Mỹ muốn đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong những tuần và tháng sắp tới đòi hỏi Washington có một chiến lược toàn diện, dài hạn hơn là chỉ đơn giản tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Trường Sa, theo ông Graham.
Bình luận (0)