Sở Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) cuối tháng 8 thông báo một số cập nhật mới về việc du học sinh khi nào được phép ở lại Mỹ làm việc sau tốt nghiệp theo chương trình thực tập không bắt buộc (OPT), nhất là ở khối ngành STEM, và quy định liên quan đến thị thực du học. Quy định mới có hiệu lực ngay lập tức từ lúc công bố thông báo và áp dụng với tất cả du học sinh tại Mỹ, USCIS nhấn mạnh.
Trong đó, cơ quan này cho biết du học sinh có thị thực F-1 chỉ được du học ở nước khác trong tối đa 5 tháng, thay vì cho phép ra nước ngoài bao lâu tùy thích, miễn là vẫn còn đăng ký học ở trường hoặc các cơ sở giáo dục khác tại Mỹ như trước đây. Nếu không chấp hành, sinh viên quốc tế phải nộp lại Mẫu I-20 mới để được nhập học lại với tư cách du học sinh, USCIS cho hay, song không nêu lý do siết quy định.
Điều này đồng nghĩa, du học sinh giờ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn nếu muốn tham gia vào các chương trình trao đổi sinh viên, du học ở nước khác... do nhà trường tổ chức hay về nước để học từ xa. Trong trường hợp tham dự các chương trình kéo dài dưới 5 tháng, du học sinh khi nhập cảnh lại vào Mỹ chỉ cần trình Mẫu I-20 đang có hoặc Mẫu I-20 cập nhật (nếu đổi ngành, đổi trường hoặc học lên bậc cao hơn) cùng thị thực hợp lệ, USCIS hướng dẫn.
Cơ quan này cho biết thêm, nếu du học sinh diện F-1 rời Mỹ quá 5 tháng và không thể tiếp tục ghi danh tại trường, các bạn sẽ phải xin nhập học lại từ đầu để tiếp tục chương trình đào tạo tại Mỹ, trong đó cũng bao gồm bước xin cấp lại Mẫu I-20 mới. "Thời gian du học sinh ở nước ngoài vẫn tính vào thời hạn OPT lẫn tổng thời gian thất nghiệp tối đa được cho phép của sinh viên F-1", USCIS cho biết thêm.
"Nhiều ĐH Mỹ cung cấp các chương trình du học dài hơn 5 tháng. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế nay sẽ bị hạn chế tận dụng những cơ hội tuyệt vời này", ông Mike Magee, Chủ tịch ĐH Minerva (Mỹ), trả lời trang The PIE News. "Đây là động thái nhằm làm rõ hơn các quy định hiện hành của chính phủ Mỹ và chúng tôi tin những tác động tiêu cực đến sinh viên là một hậu quả không mong muốn".
Ông Magee nói thêm, tuy luật mới không có ý xấu, nhưng nó sẽ gây khó khăn cho sinh viên quốc tế. Việc xin gia hạn du học quá 5 tháng tưởng dễ mà lại khó, gần như là không thể. Chính vì thế, các bên liên quan đang mong chính phủ Mỹ xem xét lại quy định này, hoặc ít ra cũng cho sinh viên quốc tế đang du học tại nước ngoài thêm thời gian để điều chỉnh kế hoạch, thay vì áp dụng đột ngột mà không có thông báo trước như hiện nay.
Theo ông Magee, quy định mới ảnh hưởng đến dự định của nhiều du học sinh, nhất là các bạn sắp tốt nghiệp hiện đã lên kế hoạch học tập, làm việc dựa trên quy định cũ. ĐH Minerva cũng đang gặp rắc rối vì quy định này, bởi trường có chương trình học đặc biệt, yêu cầu sinh viên phải đi luân chuyển qua nhiều nước trên thế giới. Giờ thì trường phải đưa 150 sinh viên từ châu Âu về Mỹ để tránh bị mất visa.
Theo hướng dẫn từ chính sách mới, những sinh viên này sẽ phải ở lại Mỹ trong cả một năm học trước khi ra nước ngoài học tập trở lại. Và trường ĐH này cảnh báo rằng chính sách mới sẽ thu hẹp nguồn nhân lực lãnh đạo quốc tế, cản trở quan hệ đối tác giáo dục toàn cầu và sự đa dạng của du học sinh. "Chúng tôi đã cầu viện một số thượng nghị sĩ và thành viên Quốc hội Mỹ đương nhiệm, tiền nhiệm", ông Magee nói thêm.
Theo thống kê từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), năm 2023 ghi nhận có 31.310 người Việt du học Mỹ, xếp thứ 6 về số du học sinh. Đây cũng là lần đầu số du học sinh Việt tại Mỹ cán mốc hơn 30.000 người sau 2 năm dưới mức 30.000. Tuy nhiên, nếu xét riêng số du học sinh ở các trường phổ thông, Việt Nam đông thứ 5 với 3.187 người, đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Tây Ban Nha.
Bình luận (0)