Mỹ so sánh nguy cơ ở Bắc cực với Biển Đông

08/05/2019 07:00 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặc biệt cảnh báo ý đồ “tranh phần” của Trung Quốc tại Bắc cực dù không có lãnh thổ tại đây.

Tại hội nghị cấp cao của Hội đồng Bắc cực diễn ra hôm qua ở TP.Rovaniemi (Phần Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về nguy cơ mắc bẫy nợ, tham nhũng, đầu tư chất lượng thấp, quân sự hóa và khai thác tài nguyên quá mức nếu để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Bắc cực. AFP dẫn lời ông nhắc lại báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây cho rằng việc Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Bắc cực, gồm cả những dự án dân sự, có thể hỗ trợ cho hiện diện quân sự, trong đó có triển khai tàu ngầm.
“Kiểu hành vi đáng quan ngại của Trung Quốc ở mọi nơi cho thấy cách họ sẽ hành xử tại Bắc cực. Chúng ta có muốn Bắc Băng Dương trở thành một Biển Đông mới, đầy những hành động quân sự hóa và va chạm về chủ quyền?”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh. Ông tuyên bố thêm Mỹ và các nước Bắc cực hoan nghênh nguồn đầu tư minh bạch với mục đích kinh tế thay vì những tham vọng an ninh hay cạnh tranh quyền lực.
Hội đồng Bắc cực gồm 8 quốc gia có lãnh thổ thuộc khu vực này, gồm Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Giữa 8 nước này lâu nay đã âm ỉ cuộc cạnh tranh về chủ quyền và gia tăng hiện diện quân sự ở Bắc cực trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh, mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới giúp rút ngắn quãng đường từ châu Á sang châu Âu cũng như làm “rã đông” nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai phá. Theo giới quan sát, tình hình càng thêm phức tạp khi Trung Quốc tỏ rõ ý định không để “mất phần” trong khu vực dù không phải là quốc gia cận cực. Trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc cực từ năm 2013, nước này liên tục đầu tư vào nhiều dự án nghiên cứu và thăm dò, rót gần 90 tỉ USD (gần 2,1 triệu tỉ đồng) trong giai đoạn 2012 - 2017. Hồi năm 2018, Trung Quốc công bố Sách trắng về chính sách Bắc cực, kêu gọi phát triển tuyến hàng hải “Con đường tơ lụa Bắc cực” thuộc chiến lược Vành đai và Con đường.
Mặt khác, dù Sách trắng khẳng định Trung Quốc cam kết “duy trì hòa bình và ổn định” ở Bắc cực nhưng luật An ninh quốc gia năm 2015 của nước này cũng có điều khoản về “bảo vệ hoạt động, tài sản ở nước ngoài, không gian, trên biển và vùng địa cực”. Ngay từ tháng 8.2015, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa 5 tàu chiến vào vùng biển Bering ngoài khơi bờ biển Alaska. “Hiện diện quân sự có khả năng sẽ gia tăng do Trung Quốc không ngừng tăng cường năng lực hải quân và củng cố lợi ích tại khu vực”, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển).
[VIDEO] Vì sao Bắc Cực giá lạnh lôi cuốn quân đội Nga, NATO?
Tại hội nghị hôm qua, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ gia tăng giám sát các động thái của bên ngoài ở Bắc cực, đồng thời tăng cường triển khai binh lính, tập trận và mở rộng hoạt động của đội tàu tuần duyên đến khu vực. Ngoài ra, Lầu Năm Góc dự kiến trình chiến lược phòng thủ mới tại Bắc cực lên quốc hội Mỹ vào đầu tháng 6. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói những chỉ trích của ông Pompeo “hoàn toàn không đúng thực tế”, đồng thời khẳng định nước này sẽ hợp tác với các bên liên quan nhằm “góp vai trò xây dựng tại Bắc cực”, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.