Mỹ tăng cường giám sát tình báo trước nguy cơ xung đột hạt nhân ở Ukraine

30/09/2022 08:37 GMT+7

Tờ Politico ngày 27.9 dẫn lời một quan chức Mỹ đưa tin Mỹ và đồng minh đang tăng cường thu thập và giám sát thông tin tình báo về khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Theo đó, phương Tây lo ngại có thể không nhận ra những dấu hiệu về việc Moscow quyết định "tung ra những điều không thể tưởng tượng" cho đến khi quá muộn.

Các hoạt động gián điệp được gia tăng sau bài phát biểu cách đây một tuần của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong đó, ông chỉ trích "giới chức cấp cao của nhiều nước NATO" vì họ cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống Nga là hợp lý.

Nhà lãnh đạo Nga nói: "Nếu sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia chúng tôi bị đe dọa, chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương tiện có thể để bảo vệ nước Nga và người dân. Đây không phải là lời nói suông".

Các chính trị gia và giới truyền thông Mỹ và EU xem phát biểu này của ông Putin là "lời đe dọa ngầm" rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Kịch bản có thể xảy ra nếu Tổng thống Putin dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Politico rằng: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao về mặt tình báo liên quan đến chiến lược và các lực lượng hạt nhân của Moscow".

Theo vị quan chức này, các cơ quan tình báo của Mỹ và các đồng minh theo dõi từ trên không, trên vũ trụ,an ninh mạng đang giám sát các hoạt động của Nga. Phương Tây cũng tăng cường dựa vào các công ty hình ảnh vệ tinh Trái Đất để theo sát các đơn vị Nga ở Ukraine có tiềm năng nhận lệnh tấn công hạt nhân từ Moscow.

Ngoài ra, khu vực Kaliningrad của Nga, nằm giữa Ba Lan và Lithuania trên bờ biển Baltic, cũng thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các cơ quan tình báo phương Tây, do các hệ thống vũ khí lưỡng dụng và tên lửa siêu thanh được triển khai ở đó.

Vị quan chức Mỹ thừa nhận việc thu thập thông tin về một vụ tấn công hạt nhân sắp xảy ra của Nga có thể rất khó khăn. Nguyên nhân là vì Moscow có khoảng hơn 20 tổ hợp vũ khí có thể mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn thông thường.

Nguồn tin này cho biết thêm theo đánh giá hiện tại của tình báo phương Tây, Nga sẽ “không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược” vì lo ngại kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện với NATO. Tuy vậy, "những gì Nga sẽ làm là sử dụng vũ khí tầm ngắn". Các loại vũ khí này mang đầu đạn hạt nhân siêu nhỏ, nhưng vẫn là một "quả bom lớn".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hồi tuần trước nhấn mạnh Nga "không đe dọa bất cứ ai với vũ khí hạt nhân" và nhắc các nhà báo về học thuyết quân sự của nước này.

Học thuyết này chỉ cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân khi loại vũ khí này hoặc các loại vũ khí hủy diệt khác được dùng để nhắm vào Nga, hoặc nếu Nga phải đối diện với mối đe dọa sinh tồn từ các loại vũ khí thông thường.

Học thuyết đối ngoại "Thế giới Nga" mà Tổng thống Putin vừa phê chuẩn có nội dung gì?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.