Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật, Philippines

12/04/2024 05:39 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio công bố mục tiêu chung của hai nước trước khi có cuộc gặp ba bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

"Sự nâng cấp lớn nhất"

Rạng sáng qua theo giờ VN, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tuyên bố hai nước có sự nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay trong quan hệ quốc phòng song phương. "Đây là sự nâng cấp lớn nhất trong liên minh của chúng tôi kể từ khi liên minh được thành lập", Tổng thống Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Kishida ở Nhà Trắng sau hội đàm, theo AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tại Nhà Trắng ngày 10.4

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tại Nhà Trắng ngày 10.4

AFP

Về phần mình, Thủ tướng Kishida ca ngợi liên minh Nhật - Mỹ là rất quan trọng cho việc duy trì hòa bình và dân chủ trong khu vực, đồng thời cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. "Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc là hoàn toàn không thể chấp nhận được, dù ở bất kỳ nơi nào", ông Kishida nhấn mạnh tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một vị thủ tướng Nhật đến Mỹ kể từ năm 2015.

Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật cam kết củng cố liên minh quân sự

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm, hai ông Biden và Kishida cho hay mục tiêu của họ là xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức phức tạp, có liên kết với nhau. Hai nhà lãnh đạo công bố kế hoạch nâng cấp mạng lưới liên lạc quốc phòng và kết nối các khả năng phòng không giữa Mỹ, Nhật và Úc để chống lại các mối đe dọa trên không và tên lửa. Cũng theo tuyên bố chung, 3 đối tác hiện tại theo thỏa thuận AUKUS là Mỹ, Úc và Anh đang xem xét hợp tác với Nhật về các khả năng và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực như vũ khí bội siêu thanh và trí tuệ nhân tạo.

Từ trái qua: Lãnh đạo 3 nước Philippines, Mỹ, Nhật

Từ trái qua: Lãnh đạo 3 nước Philippines, Mỹ, Nhật

AFP

Thượng đỉnh ba bên

Sau cuộc hội đàm nói trên, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến có cuộc gặp ba bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng trong ngày 11.4 (theo giờ Mỹ). Đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines đầu tiên, nhằm tăng cường quan hệ giữa 3 nước, theo AFP.

Trước khi lên đường đến Washington D.C, ông Marcos ngày 10.4 cho hay hội nghị ba bên sẽ cho ra một thỏa thuận nhằm duy trì an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông. "Mục đích chính của thỏa thuận ba bên này là làm cho chúng tôi có thể tiếp tục phát triển, giúp đỡ lẫn nhau và tất nhiên là duy trì hòa bình ở Biển Đông và tự do hàng hải", ông Marcos tiết lộ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh chủ yếu nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa 3 nước, theo Reuters. Tổng thống Marcos cho hay ông đặt mục tiêu tìm cách thúc đẩy hợp tác với Nhật và Mỹ trong những lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn, an ninh mạng và năng lượng tái tạo. Trước đó, Thủ tướng Kishida ngày 6.4 cũng đã khẳng định: "Sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật, Mỹ và Philippines là rất quan trọng cho một trật tự tự do và cởi mở dựa trên luật pháp cũng như sự thịnh vượng kinh tế trong khu vực".

Dự luật cung cấp 2,5 tỉ USD cho Philippines

Hai thượng nghị sĩ Mỹ Bill Hagerty và Tim Kaine ngày 10.4 giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp cho Philippines 2,5 tỉ USD để tăng cường năng lực phòng thủ. Cụ thể, dự luật cho phép Washington duyệt chi 500 triệu USD/năm theo cơ chế hỗ trợ Tài chính quân sự nước ngoài (FMF) cho Philippines trong vòng 5 năm, đến năm 2029, theo Reuters.

Dự luật còn yêu cầu ngoại trưởng Mỹ và Lầu Năm Góc mỗi năm đưa ra một báo cáo có phần mô tả những năng lực cần thiết để hỗ trợ Philippines hiện đại hóa năng lực phòng thủ. Những lĩnh vực cần tập trung nâng cấp bao gồm năng lực phòng thủ bờ biển, hỏa lực tầm xa, hệ thống phòng không được tích hợp, an ninh biển, máy bay có người lái lẫn không người lái, tình báo, do thám và an ninh mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.