Mỹ tăng mạnh nhập hàng Việt

31/05/2019 07:29 GMT+7

Xuất khẩu của VN vào Mỹ đang đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nếu duy trì đà tăng trưởng này, VN sẽ lọt vào danh sách 10 nước cung cấp hàng hóa nhiều nhất vào thị trường Mỹ.

Giảm hàng Trung Quốc, tăng nhập hàng Việt

Một trong những thế mạnh cốt lõi của nền kinh tế VN là nông nghiệp, trong đó xuất khẩu thủy sản là chủ lực. Thế nhưng theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất VN, tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ đến từ các lĩnh vực khác chứ nông nghiệp và thủy sản vẫn chưa có dấu hiệu gì rõ ràng. Hiện nay xuất khẩu tôm vào Mỹ vẫn còn khó khăn vì cạnh tranh rất vất vả với hàng Ấn Độ và Indonesia.
Báo cáo kinh doanh quý 1/2019 của nhà bán lẻ Walmart (Mỹ) cho biết giá của các sản phẩm đang tăng lên với nguồn hàng đến từ Trung Quốc. Để giải bài toán giá cả hàng hóa, chiến lược của Walmart là đa dạng hóa sản phẩm nhập khẩu thay thế từ các quốc gia khác nhau.
Điều này cũng thể hiện rõ trong Báo cáo 3 tháng đầu năm 2019 của Cục Thống kê Mỹ. Cụ thể, lượng hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ giảm đến 13,9%, Canada cũng giảm 3,4%. Ngược lại, VN là một trong những thị trường cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp Mỹ nên kim ngạch xuất khẩu tăng trên 40%, bên cạnh các nước khác như Hàn Quốc tăng 18,4%, Pháp tăng 16,5%, Ấn Độ tăng 15,2%...
Cục Thống kê Mỹ cũng dự báo nếu duy trì tốc độ tăng trưởng trong cả năm 2019 như trong quý 1 vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu của VN vào Mỹ có thể đạt tới 69 tỉ USD và là một trong 10 nước cung cấp nhiều hàng hóa nhất vào Mỹ. Năm ngoái, VN đứng vị trí thứ 12 với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ hơn 49,2 tỉ USD.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê VN, trong 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ đứng đầu thị trường xuất khẩu của VN với kim ngạch đạt 22,6 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao là điện thoại và linh kiện tăng tới trên 109%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58%; hàng dệt may tăng 9,8%... Bên cạnh đó, gỗ và các sản phẩm gỗ cũng là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao.

Thận trọng hàng nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam

Xét về cơ cấu hàng hóa, xuất khẩu tăng ở nhóm hàng điện thoại, điện tử, máy vi tính và linh kiện, thế mạnh của nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại VN (FDI).
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nói: Nếu nhìn như vậy thì có thể thấy chúng ta chỉ được một phần, phần lớn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Cái ta thu được là phần công ăn việc làm cho người lao động. Gần đây, có nhiều người đặt vấn đề lo lắng về việc VN xuất siêu vào Mỹ hay tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của VN còn rất nhỏ so với Mỹ và cả các nước đang xuất khẩu chính vào Mỹ. Chính vì vậy, chỉ cần có số tuyệt đối tăng một ít thì tốc độ cũng đã tăng đáng kể nên ít có khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp với VN như Trung Quốc.
Theo TS Độ, tổng cầu hàng hóa của Mỹ đối với VN luôn ở mức cao, khoảng 10%. “Tuy nhiên, vấn đề của VN hiện nay vẫn là tăng trưởng theo chiều rộng mà chưa sâu. Khi chúng ta xuất khẩu được nhiều cũng có nghĩa thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng, xuất khẩu nhiều cũng có nghĩa là nền kinh tế phụ thuộc nhiều. Trong khi kinh tế có tính chu kỳ, khi tăng trưởng cao thì chúng ta xuất khẩu tốt và ngược lại mình cũng sẽ bị ảnh hưởng”, TS Độ cảnh báo.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu vào Mỹ tăng trưởng cao là điều đáng mừng nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần thận trọng như: lo hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ VN để lẩn tránh thuế; trong xu hướng dịch chuyển đầu tư sang VN chúng ta cần chọn lọc những dự án nào để phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế…
Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở. Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có 65 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chính thức vào ngành gỗ VN thì có đến 23 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Ít nhất các doanh nghiệp này cũng tạo nên cuộc cạnh tranh về thu hút lao động với doanh nghiệp VN.
Ông Trần Việt Tiến, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nêu quan điểm: Việc Mỹ áp thuế suất lên 25% đối với mặt hàng gỗ của Trung Quốc có thể là cơ hội tốt đối với ngành công nghiệp đồ gỗ VN. Thời gian tới, tình hình xuất khẩu đồ gỗ VN sang Mỹ sẽ tiếp tục phát triển. Xu hướng dịch chuyển của chính doanh nghiệp Trung Quốc vào VN là có thật. Chính vì vậy, Chính phủ cần có quy hoạch ngành dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc vì nếu không có thể xảy ra khủng hoảng thừa sẽ rất khổ. Bên cạnh đó là các trường hợp đầu tư núp bóng người Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.