Ba trụ cột
Cụ thể, ông Esper đưa ra 3 trụ cột trong chiến lược Indo-Pacific gồm: sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quan hệ đối tác, xúc tiến liên kết khu vực.
Theo đó, Lầu Năm Góc đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, tăng cường năng lực của không quân, hải quân, ưu tiên đầu tư phát triển những hệ thống vũ khí với độ chính xác cao. Mỹ cũng áp dụng chiến thuật “khó dự đoán” ở Indo-Pacific, bằng cách tăng cường sự hiện diện và triển khai bất ngờ các máy bay ném bom để đối thủ khó dự đoán. Chiến lược của Mỹ đồng thời bao gồm việc tái bố trí lực lượng tại khu vực Indo-Pacific.
Về định hướng sắp tới, ông Esper cho hay Mỹ sẽ tăng cường hợp tác an ninh và tiến hành những cuộc tập trận đa phương với các đối tác, đồng minh nhằm đảm bảo một trật tự theo luật quốc tế trong khu vực.
Chiến đấu cơ Trung Quốc tập trận ở khu vực Biển Đông
|
Ông Esper cũng nhắc đến chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam hồi tháng 3 như một trong những ví dụ về tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác an ninh trong khu vực. Ngoài ra, ông đề cập việc một doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ cho Mỹ 5 triệu thiết bị bảo hộ y tế cá nhân và cho rằng hành động đó chứng tỏ sự có qua có lại trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực.
Bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong phát biểu của mình, ông Esper khẳng định Mỹ đã nêu rõ lập trường là bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có quyền để biến các vùng biển quốc tế thành vùng đặc quyền kinh tế riêng của nước này”, ông nói.
Thúc đẩy các mạng lưới liên minh, đối tác
|
Bên cạnh đó, ông Esper cũng chỉ trích việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện trong khu vực thông qua chính sách bắt nạt và “bẫy nợ” các quốc gia khác. Tuy vậy, ông nhấn mạnh Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và bày tỏ kỳ vọng sẽ đến thăm Trung Quốc để thảo luận về tăng cường hợp tác quốc phòng.
Tiến hành nhiều cuộc tập trận
Cũng vào hôm qua, hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tiến hành cuộc tập trận chung cùng tàu chiến của Nhật Bản và Úc tại biển Philippines. Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 19.7 và dự kiến kết thúc vào ngày 23.7, diễn ra trong lúc các tàu chiến đang trên đường đến Hawaii dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) diễn ra từ ngày 17 - 31.8. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Úc, cuộc tập trận ba bên lần này bao gồm các hoạt động như tiếp nhiên liệu trên biển, hoạt động hàng không, hàng hải và diễn tập liên lạc.
Cuộc tập trận được cho là cơ hội để các bên nhấn mạnh cam kết chung về khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở. Đại tá Mỹ Russ Caldwell, chỉ huy tàu tuần dương USS Antietam - chiến hạm tham gia cuộc tập trận cùng Nhật và Úc, đánh giá hải quân Mỹ may mắn khi được tập trận chung với các đối tác tại Indo-Pacific và những hoạt động này gia tăng cam kết chung đối với quy tắc hàng hải quốc tế và thúc đẩy ổn định trong khu vực.
Chỉ huy nhóm tàu Úc Michael Harris mô tả cơ hội hợp tác cùng Nhật Bản và Mỹ là “không thể định giá”, đồng thời nhấn mạnh việc duy trì an ninh và an toàn trên biển đòi hỏi hải quân các nước phải có khả năng phối hợp liền mạch. Trong khi đó, đại tá Sakano Yusuke của Nhật Bản cho rằng việc tăng cường hợp tác với hải quân Mỹ và Úc là điều rất quan trọng với Nhật Bản, đóng góp cho khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh cả ba nước gần đây chỉ trích những hành động gây căng thẳng tại vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Cũng trong hôm qua, hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã tập trận cùng các tàu chiến của hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương từ ngày 20.7. Nhóm tàu Mỹ gồm tàu sân bay USS Nimitz, tàu tuần dương USS Princeton cùng 2 tàu khu trục USS Sterett và USS Ralph Johnson. Trong khi đó, Ấn Độ cho 4 tàu chiến tham gia. Cuộc tập trận diễn ra gần quần đảo Andaman và Nicobar, trong lúc tàu Nimitz trên đường từ Biển Đông sang Trung Đông, theo tờ Hindustan Times. Trước đó, nhóm tàu Nimitz 2 lần tập trận chung cùng nhóm tàu Ronald Reagan tại Biển Đông vào đầu và giữa tháng 7.
Bình luận (0)