Đài CNN hôm qua dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết khu trục hạm USS Dewey thuộc Hạm đội 3 của hải quân Mỹ đã có động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Trường Sa. Theo đó, tàu chiến lớp Arleigh Burke mang theo tên lửa Tomahawk và vũ khí laser đã đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, một trong số 7 thực thể địa lý bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và xây dựng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của VN. Động thái của USS Dewey vào ngày 25.5 đánh dấu lần đầu tiên một chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) được triển khai ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump, và diễn ra một tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, thường gọi là Đối thoại Shangri-La, khai mạc tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ tham dự sự kiện quan trọng này của khu vực.
Trước đó vài tuần, tờ The New York Times đưa tin Nhà Trắng đã bác các đề xuất tiến hành FONOP của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Đây được cho là động thái thiện chí của Mỹ nhằm giành được sự ủng hộ của Trung Quốc về vấn đề CHDCND Triều Tiên. Trước chiến dịch của USS Dewey, lần gần nhất Mỹ tiến hành FONOP ở Biển Đông là vào tháng 10.2016, khi tàu khu trục USS Decatur áp sát Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Không phải “qua lại vô hại”
|
Chi tiết này được xác nhận khi tờ The New York Times dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc tham gia chiến dịch cho hay tàu chiến Mỹ đã tiến hành cuộc diễn tập cứu hộ người bị rơi khỏi tàu khi áp sát đá Vành Khăn. Cuộc diễn tập cụ thể này nhằm thể hiện với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ hoạt động bất kỳ nơi nào ở biển cả phù hợp với luật pháp quốc tế, theo vị quan chức. Sở dĩ có thể kết luận Mỹ không thực hiện “qua lại vô hại” do quyền này không cho phép tàu quân sự tiến hành diễn tập khi đi vào lãnh hải quốc gia ven biển.
Trong khi Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận về FONOP mới nhất, phát ngôn viên Jamie Davis cho hay hải quân Mỹ vẫn đang duy trì sự hoạt động thường ngày ở Biển Đông, và sẽ đưa máy bay lẫn tàu thuyền “đến bất cứ nơi nào luật quốc tế” cho phép.
Yếu tố “qua lại vô hại” được chú ý bởi trong các chiến dịch trước đây, chính quyền Tổng thống Barack Obama từng bị một số chuyên gia chỉ trích vì không minh bạch trong cung cấp thông tin về FONOP, dẫn đến ấn tượng rằng chính quyền này góp phần củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc khi chỉ cho tàu thực hiện quyền “qua lại vô hại”. Quyền này áp dụng trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý do vậy việc Mỹ vận dụng “qua lại vô hại” có thể bị xem là ngầm công nhận yêu sách về lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo.
Trung Quốc hôm qua đã có phản ứng mạnh mẽ với FONOP mới nhất của Mỹ. Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường gọi động thái của Mỹ là “phi pháp” và “khiêu khích”. Ông này cho biết hai tàu khu trục Trung Quốc đã “nhận diện”, “cảnh báo” và “xua đuổi” tàu Mỹ ra khỏi khu vực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên án hành động của Mỹ là nhằm mục đích phá hoại tình hình ở Biển Đông, vốn có dấu hiệu cải thiện trong những tháng qua, và gây hại cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố lên án, nói rằng hành động “khiêu khích” như thế vi phạm “chủ quyền và lợi ích an ninh Trung Quốc”.
tin liên quan
Tổng thống Philippines chất vấn đại sứ Mỹ vụ không cản Trung Quốc xây đảoTổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 29.3 cho biết ông đã chất vấn Đại sứ Mỹ tại Manila vì sao Washington đã không triển khai tàu chiến nhằm ép Trung Quốc ngừng xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Bình luận (0)