Kiểm soát thêm công nghệ lõi
Hôm qua 14.9, Tập đoàn công nghệ NVIDIA (Mỹ) phát đi thông cáo về việc thâu tóm Hãng ARM (Anh) chuyên thiết kế vi xử lý từ tay của Tập đoàn Softbank (Nhật Bản) với giá 40 tỉ USD.
Việc thâu tóm ARM đem đến cho NVIDIA nhiều cơ hội vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ. Bởi ARM là nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới, cung cấp bản thiết kế và chia sẻ bản quyền cho rất nhiều dòng chip trên thiết bị di động, thậm chí máy tính cá nhân, mang các thương hiệu như Qualcomm, Samsung, Huawei, MediaTek, Intel, Apple…
Cũng vì thế, thương vụ này sẽ bị các tổ chức chống độc quyền của nhiều nước giám sát mạnh mẽ. Bởi khi còn thuộc Softbank (sau một vụ thâu tóm năm 2016), ARM được xem như khá độc lập để đối xử công bằng với những khách hàng trên, nhưng khi thuộc NVIDIA thì ARM có thể tạo sự thiên vị giữa các đối tác mà trong đó có chính NVIDIA. Tất nhiên, đại diện “chủ mới” vẫn khẳng định sẽ duy trì tính trung lập của ARM.
Trong khi đó, việc ARM về tay một doanh nghiệp Mỹ thì đồng thời cho phép đất nước cờ hoa kiểm soát thêm một “công nghệ lõi”. Chính vì thế, thương vụ trên còn mang ý nghĩa chính trị lớn cho Washington trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn biến khó lường, Mỹ liên tục siết chặt trừng phạt nhằm vào nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc mà nổi bật là Huawei.
Chủ động điều khiển “vũ khí khủng”
Nhận xét về thương vụ trên, tờ The New York Times dẫn lời ông Hermann Hauser, nhà đồng sáng lập ARM, đặt vấn đề về khả năng các đối tác sử dụng sản phẩm của ARM có thể rơi vào thế khó khi Washington tăng cường trừng phạt Bắc Kinh.
Thực tế, đầu năm 2019, việc ARM thực thi theo quyết định của Washington bằng cách ngưng hợp tác với Huawei đã thực sự là cú đánh “nốc ao” cho Huawei. Bởi ngay cả khi bị Google ngưng cho phép sử dụng hệ điều hành Android trên smartphone và máy tính bảng thì Huawei tìm cách tự phát triển hệ điều hành riêng, bị Qualcomm ngưng bán chip thì Huawei vẫn có chip Kirin tự sản xuất… Chỉ đến khi bị ARM “đoạn giao” thì Huawei thực sự rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì không có bản quyền thiết kế để sản xuất chip.
Tuy nhiên, Washington khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào “sự đồng hành” của ARM khi hãng này vẫn còn trong tay Tập đoàn Softbank. Bởi tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Softbank, có quan hệ khá dích dắc với Trung Quốc.
Nhà tài phiệt Son chính là một trong những người đầu tiên góp vốn vào Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc rồi nắm giữ cổ phần lớn cũng như giữ vị trí quan trọng ở Alibaba suốt thời gian dài. Năm 2014, khi Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đạt giá trị thị trường ở mức kỷ lục hơn 170 tỉ USD và huy động số tiền 25 tỉ USD thì cũng tạo cú hích để tỉ phú Son trở thành người giàu nhất Nhật Bản. Trong thương vụ này, một số tập đoàn liên quan thân nhân các cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng gặt hái nhiều thành quả.
Ngoài ra, Softbank vẫn đang có cổ phần rất lớn ở Didi Chuxing - một công ty “taxi công nghệ” tương tự Uber, đang chiếm thị phần lớn nhất ở cả hai thị trường Trung Quốc và Brazil. Suốt nhiều năm, Softbank cũng là đối tác thân thiết của Huawei trong nhiều dự án viễn thông đầy tham vọng.
Từ những thực tế trên, việc ARM về NVIDIA sẽ giúp Mỹ chủ động hơn trong việc sử dụng một “vũ khí” lợi hại như ARM để trừng phạt ngành công nghệ Trung Quốc.
Loạn thông tin về số phận TikTok
Theo thông báo của Microsoft hôm qua 14.9, việc tập đoàn này đề nghị hỏi mua TikTok đã bị từ chối bởi ByteDance, công ty mẹ của TikTok. Đây là ứng dụng chia sẻ video thịnh hành tại Mỹ, nhưng bị Nhà Trắng xem là mối đe dọa an ninh. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra thời hạn là ngày 20.9 để ByteDance bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ cho công ty bản địa hoặc bị cấm hoạt động. Việc Microsoft bị từ chối đồng nghĩa Hãng phần mềm Oracle là bên mua duy nhất còn lại.
Truyền thông Mỹ hôm qua dẫn nguồn loan tin Oracle đã mua được TikTok trong khi Đài CGTN của Trung Quốc cũng dẫn nguồn tin riêng cho biết ByteDance sẽ không bán cho Oracle hay Microsoft. Trước đó, Reuters đưa tin Trung Quốc thà ngừng hoạt động TikTok tại Mỹ hơn là chấp thuận một hợp đồng bị ép buộc. Đến tối qua, Oracle xác nhận thông tin trở thành đối tác của TikTok tại Mỹ, theo Reuters.
Bảo Vinh
|
Bình luận (0)