Mỹ thoát cảnh vỡ nợ

Mỹ thoát cảnh vỡ nợ

05/06/2023 10:00 GMT+7

Ngày 5.6 là ngày mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ nước này sẽ vỡ nợ nếu không kịp đạt thỏa thuận về trần nợ công. Như vậy là kịch bản nước Mỹ vỡ nợ đã không xảy ra.

Kịch bản nước Mỹ vỡ nợ đã không xảy ra sau khi Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn một luật về đình chỉ mức trần nợ công 31.400 tỉ USD của Chính phủ Mỹ vào cuối tuần qua.

Với tên gọi chính thức là Đạo luật Trách nhiệm tài khóa, luật này nhằm đình chỉ trần nợ cho đến hết ngày 1.1.2025, tức gỡ bỏ giới hạn số tiền Chính phủ Mỹ có thể vay để chi trả cho các nghĩa vụ của mình. Trần nợ của Mỹ là 31.400 tỉ USD.

Thỏa thuận bao gồm đình chỉ trần nợ trong 2 năm, hạn chế chi tiêu trong thời gian này, thu hồi ngân sách chưa sử dụng từ quỹ hỗ trợ Covid-19, tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện với các chương trình phúc lợi cho người nghèo.

Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục vào cuối tuần qua, ông Biden nói rằng luật về trần nợ đã cứu nước Mỹ khỏi “sự sụp đổ kinh tế”. Mỹ nếu vỡ nợ sẽ gây ra tình trạng hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm hàng loạt, suy thoái kinh tế và nhiều tác động toàn cầu khác.

Cũng theo ông Biden, để tới được bước này, cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều phải thỏa hiệp, không ai có được toàn bộ điều mình muốn.

Nhà Trắngđã cảm ơn các nhà lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội “vì sự hợp tác” của họ.

Trước đó, bế tắc kéo dài trong đàm phán trần nợ giữa Hạ viện và Nhà Trắng đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục cho một số đợt bán trái phiếu.

Nhưng ngay cả khi Hạ viện và Thượng viện gạt bỏ những khác biệt sang một bên để thông qua thỏa thuận trong tuần trước, uy tín của nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng.

Ông Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, đã ca ngợi dự luật là một chiến thắng lớn cho Cộng hòa, mặc dù ông vấp phải phản ứng dữ dội từ những người theo đường lối cứng rắn ở cánh hữu vì họ cho rằng ông đã nhượng bộ quá nhiều.

Ông Biden, người đang vận động tái tranh cử vào năm 2024, cũng coi giải pháp cho cuộc khủng hoảng là một chiến thắng, thể hiện năng lực đàm phán và mong muốn trở thành tiếng nói ôn hòa trong bối cảnh chia rẽ chính trị ngày càng cực đoan.

Theo hãng tin AFP, ông Biden thể hiện điều này thông qua việc ông hết lời ca ngợi Chủ tịch Hạ viện McCarthy, một chính trị gia Cộng hòa theo phe cựu Tổng thống Donald Trump.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.