Mỹ thử nghiệm đèn tia cực tím an toàn chống Covid-19

10/05/2020 18:33 GMT+7

Một đội ngũ khoa học gia của Trung tâm Nghiên cứu X-quang thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đang thử sử dụng đèn chiếu tia cực tím với bước sóng an toàn cho con người nhưng vẫn đủ sức tiêu diệt virus gây bệnh Covid-19 .

Đèn tia cực tím (UVC) từ lâu được sử dụng để diệt vi khuẩn, virus và nấm mốc, chủ yếu trong bệnh viện và ngành xử lý thực phẩm. Trong đó, tia UVC là chùm tia cực tím có năng lượng cao nhất với bước sóng từ 100-290 nm.
Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành thế giới, công nghệ này nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước với hy vọng có thể đưa nền kinh tế quay lại nhịp bình thường.
Tuy nhiên, chùm tia UVC rất nguy hiểm, có thể gây ung thư da và hại mắt, chỉ có thể sử dụng khi không có người xung quanh.

Nhân viên làm vệ sinh, tẩy trùng các bề mặt tàu điện ngầm ở thành phố New York

Reuters

Hệ thống tàu điện ngầm New York đang chuẩn bị bắt chước các tàu điện ngầm ở Trung Quốc dùng đèn tia cực tím tẩy trùng các toa tàu để chống Covid-19, nhưng chỉ vào ban đêm khi tàu ngừng chạy.
Trước nhu cầu trên, đội ngũ chuyên gia của Đại học Columbia đang thử nghiệm chùm tia UVC viễn, với bước sóng 222 nm, được cho là an toàn với người nhưng vẫn đủ diệt virus, trong trường hợp này là virus Corona gây bệnh Covid-19.
AFP dẫn lời tiến sĩ David Brenner, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu X-quang của Đại học Columbia, cho hay ở tần số này, chùm tia không thể xuyên qua da hoặc mắt người để có thể gây hại.
Điều đó có nghĩa là chúng có thể sử dụng trong các không gian kín và đông người, nơi nguy cơ lây nhiễm tăng cao.
Để bắt đầu nghiên cứu, nhóm của tiến sĩ Brenner đã chuyển thiết bị đến một phòng thí nghiệm an toàn sinh học cao của trường, và họ vừa khởi động dự án cách đây khoảng  3 đến 4 tuần.

Nón "RoboCop" giúp kiểm tra thân nhiệt hành khách đề phòng lây nhiễm Covid-19 tại sân bay

Kết quả sơ bộ cho thấy chùm tia ở bước sóng này có thể tiêu diệt mọi virus trên bề mặt trong vòng vài phút, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Kế tiếp, nhóm của Đại học Columbia sẽ tìm cách xử lý virus trôi nổi trong không khí bằng đèn tia cực tím, chẳng hạn như vào thời điểm một người nhiễm virus ho hoặc hắt hơi.
Trong một cuộc nghiên cứu song song, các chuyên gia cũng nỗ lực xác định chùm tia UVC viễn không gây hại cho người bằng cách tiến hành thử nghiệm trên chuột, và thu được kết quả khả quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.