Trong bức thư gửi quốc hội mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc tái thành lập lãnh sự quán ở Nuuk, thủ phủ Greenland là một phần trong kế hoạch lớn của Mỹ nhằm gia tăng hiện diện tại khu vực Bắc cực, theo AP.
Mỹ mở lãnh sự quán tại Greenland vào năm 1940 sau khi Đức quốc xã chiếm Đan Mạch nhưng đóng cửa vào năm 1953.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này có lợi ích chiến lược trong việc tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại tại vùng Bắc cực, đồng thời sự hiện diện ngoại giao thường trực tại Greenland sẽ cho phép Washington bảo vệ lợi ích cốt lõi tại đây và phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ với giới chức và người dân vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã bổ nhiệm một nhân viên lãnh sự phụ trách vấn đề Greenland làm việc tại đại sứ quán Mỹ ở Copenhagen và có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân viên. Theo dự tính, lãnh sự quán sẽ mở cửa vào năm 2020 và có 7 nhân viên.
Kế hoạch trên được thông báo giữa thời điểm Mỹ và Đan Mạch lời qua tiếng lại vì Greenland. Tổng thống Donald Trump gần đây xác nhận có ý định mua lại Greenland, đề xuất mà Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho là “nực cười”.Chủ nhân Nhà Trắng sau đó hủy chuyến thăm Đan Mạch được lên kế hoạch từ ngày 2-3.9 và chỉ trích bình luận của Thủ tướng nước chủ nhà khiến ông thấy “khó chịu”. “Người ta không thể nói chuyện với Mỹ theo kiểu đó, ít nhất là dưới thời của tôi. Tôi nghĩ đó là tuyên bố không hay, cứ như bà ấy xem thường tôi”, Tổng thống Trump nói.
Tuy vậy, trả lời báo chí tại Nhà Trắng ngày 23.8, nhà lãnh đạo cho biết đã nhận được cuộc gọi từ bà Frederiksen và gọi nữ thủ tướng là “người phụ nữ phi thường”, theo Reuters.
“Chúng tôi có mối quan hệ rất đặc biệt với Đan Mạch và chúng tôi đồng ý sẽ đối thoại sau. Dù vậy, bà ấy rất thân thiện. Bà ấy đã gọi đến và tôi rất cảm kích vì điều đó”, Tổng thống Trump cho biết.
Bình luận (0)