Hãng tin AP ngày 24.9 cho biết quan chức cấp cao của Triều Tiên nhiều lần tham gia đối thoại với giới chức Mỹ, họ gặp nhau ở Singapore, Berlin (Đức), có lúc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc một nơi nào đó để thảo luận về chương trình hạt nhân của Trìều Tiên, những tác động của lệnh cấm vận quốc tế lên Bình Nhưỡng, và mối đe doạ an ninh gia tăng ở Washington, Seoul và Tokyo.
“Người Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không đại diện cho chính phủ Mỹ. Vì vậy, trong đối thoại họ biết chúng tôi đưa ra những vấn đề mà chính phủ Mỹ không thể thực hiện”, ông Leon Sigal, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng là người đóng vai trò quan trọng trong những cuộc “đối thoại ngầm” được khởi động từ hồi cuối năm 2015, chia sẻ.
“Đối thoại ngầm” thường được những quốc gia thù địch sử dụng để chuyển giao thông điệp. "Đối thoại ngầm" có thể do giới ngoại giao, tình báo; thậm chí cả giới học giả, nghiên cứu thực hiện. Ấn Độ và Pakistan làm theo cách này để trao đổi về tranh chấp ở khu vực biên giới Kashmir.
Giới chỉ trích nói rằng “đối thoại ngầm” giữa Washington và Bình Nhưỡng là sự lãng phí thời gian, chẳng mang lại kết quả gì. Thêm vào đó, nó chỉ tạo điều kiện để Bình Nhưỡng đưa ra những yêu sách quá đáng của họ.
Nhưng John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul cho rằng với kênh thông tin liên lạc giữa Triều Tiên và Mỹ gần như không tồn tại, thì “đối thoại ngầm” trở thành nơi dành cho các cuộc thảo luận không chính thức giữa chính phủ với chính phủ. Đối thoại không chính thức được xem là “cách để Triều Tiên gửi thông điệp gián tiếp trong khi ngại đưa ra trong các kênh chính thức", ông Delury nhận định.
|
Những người tham gia đối thoại bí mật ít khi bị chất vấn trong khi thông tin từ những cuộc đối thoại này thường được chia sẻ rộng rãi trong giới chuyên gia của chính phủ, học viện và tổ chức tư vấn. Nhiều người đặt vấn đề “đối thoại ngầm” đạt được kết quả gì. Chuyên gia Delury nói rằng câu trả lời tuỳ thuộc vào người được hỏi là ai.
Dù bị xem là không mang lại kết quả gì đáng kể nhưng theo ông Sigal, thông qua những cuộc đàm phán bí mật này, giới chức Mỹ nhận thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng giảm bớt chương trình hạt nhân dù bên ngoài vẫn khẳng định mình là siêu cường hạt nhân. Trong khi đó, vài chuyên gia tham gia trong “đối thoại ngầm” nghĩ ngược lại, cho rằng Bình Nhưỡng không muốn nói đến việc phi hạt nhân hoá.
"Trong nhiều cuộc họp gần đây, tôi đặt vấn đề phi hạt nhân hoá với Triều Tiên thì câu trả lời nhận được khá dứt khoát: ‘Chúng tôi là quốc gia có vũ khí hạt nhân...; các vị phải học cách sống và chấp nhận thực tế mới này'", Evans Revere, một cựu chuyên gia phụ trách châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ kể lại.
"Hầu hết mọi người ở Washington có một giả định rằng Triều Tiên là ‘kẻ xấu’, điều đó có thể đúng nhưng bạn không thể đối phó nếu không nói chuyện với họ. Và đó là lý do vì sao cần có ‘đối thoại ngầm'”, ông Sigal kết luận.
Bình luận (0)