Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La

02/06/2019 07:30 GMT+7

Mỹ lên án mưu đồ bá quyền tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gây tổn hại đến trật tự khu vực và tuyên bố “sẽ không rón rén quanh Trung Quốc”.

Ngày 1.6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (ảnh) có bài phát biểu mở màn hội nghị hợp tác an ninh quốc phòng khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La
       
Reuters dẫn lời ông đặc biệt nhấn mạnh về những hành động và mưu đồ đang đe dọa trật tự. “Có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích thiết yếu của các nước trong khu vực xuất phát từ những nhân tố muốn tìm cách gây hại thay vì giữ vững trật tự quốc tế. Nếu xu hướng này tiếp diễn, những thực thể nhân tạo tại các khu vực chung của toàn cầu có thể trở thành trạm thu phí và chủ quyền có thể nằm trong sự chi phối của quyền lực”, ông Shanahan cảnh báo.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng dành phần lớn nội dung bài phát biểu để nói về sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực. Ông tuyên bố Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “đấu trường ưu tiên” của quân đội Mỹ vì nước này là một quốc gia Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Washington cũng kêu gọi các bên khác cần chi nhiều hơn cho quốc phòng “để bảo vệ chính tương lai của mình”.

“Không rón rén”

Có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích thiết yếu của các nước trong khu vực xuất phát từ những nhân tố muốn tìm cách gây hại thay vì giữ vững trật tự quốc tế
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan
Tuy không nêu đích danh nước nào nhưng một số chuyên gia nhận định cụm từ “những thực thể nhân tạo” trong phát biểu của ông Shanahan muốn nói tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Mặt khác, chính vị quyền bộ trưởng này khi trả lời câu hỏi tại hội nghị đã nói rõ Mỹ sẽ không phớt lờ các hành vi của Trung Quốc và sẽ “không rón rén” như những chính quyền trước khi ổn định tại châu Á bị đe dọa mà sẽ sẵn sàng đối thoại cởi mở với Bắc Kinh. “Cạnh tranh không có nghĩa là xung đột. Chúng ta nên hoan nghênh việc đó nếu tất cả hành động theo quy tắc quốc tế. Tuy nhiên, những hành vi gây xói mòn chủ quyền của các nước trong khu vực và làm mất lòng tin vào ý định của Trung Quốc phải chấm dứt”, ông Shanahan nhấn mạnh.
Về căng thẳng thương mại song phương, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói các cuộc đàm phán “đang diễn ra” nhưng đồng thời lặp lại lo ngại của Washington đối với Tập đoàn Huawei. AFP dẫn lời ông cho rằng hãng này “có quan hệ quá gần gũi” với chính phủ Trung Quốc. “Điều đó là nguy cơ quá lớn cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Bạn không thể tin tưởng rằng hệ thống mạng đó sẽ được bảo vệ”, ông Shanahan nói. Về những vấn đề khác, ông Shanahan nhận định CHDCND Triều Tiên “vẫn là mối đe dọa to lớn và cần tiếp tục cảnh giác” trong khi thông báo sẽ tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ an ninh cho Đài Loan. Cuối cùng, vị quan chức này khẳng định Mỹ không mong muốn xảy ra xung đột nhưng sẽ đầu tư lớn cho công nghệ quân sự để chống lại các mối đe dọa và đảm bảo ưu thế cũng như năng lực bảo vệ đồng minh. “Chúng tôi muốn đảm bảo không đối thủ nào nghĩ rằng có thể đạt được mục đích chính trị thông qua sức mạnh quân sự”, ông nhấn mạnh.
Cùng ngày, Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc Thiệu Nguyên Minh chỉ trích những quan điểm và “giọng điệu cũ, không chính xác” của quyền Bộ trưởng Shanahan. Reuters dẫn lời ông Thiệu, cũng đang có mặt tại Đối thoại Shangri-La, tuyên bố “chính những hành động của Mỹ mới gây bất ổn khu vực”. Quan chức này còn nói Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc và sẽ được giữ lại bằng mọi giá”. Dự kiến trong hôm nay 2.6, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục phủ bóng tại diễn đàn khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu với chủ đề “Trung Quốc và hợp tác an ninh liên quốc gia”.

Chiến lược mới của Mỹ

Cũng trong ngày 1.6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tái khẳng định cam kết về một khu vực tự do và rộng mở với mọi quốc gia lớn nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật lệ, quy tắc quốc tế và cạnh tranh công bằng.
“Trung Quốc tìm kiếm sự bá quyền tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong ngắn hạn và cuối cùng là thống trị toàn cầu về lâu dài”, báo cáo viết. Bên cạnh đó, báo cáo chỉ trích Trung Quốc tìm cách thiết lập trật tự khu vực có lợi cho nước này bằng việc gia tăng hiện đại hóa quân đội, tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng và “chính sách kinh tế diều hâu cưỡng ép các nước khác”.
Đặc biệt, Lầu Năm Góc tố cáo Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông bằng cách xua lực lượng dân quân đến những vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền trái phép, triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tầm xa lên những thực thể xâm chiếm từ quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Báo cáo nhấn mạnh hành động của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm cam kết được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố công khai hồi năm 2015 rằng nước này “không có ý định quân sự hóa”. Bắc Kinh chưa có phản ứng về những nội dung trên.
Để thực thi cam kết của mình, Lầu Năm Góc vạch ra mục tiêu củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đồng minh, đối tác trong khu vực. Trong đó, báo cáo nêu rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng quan hệ đối tác về chiến lược với VN dựa trên những nguyên tắc và lợi ích chung gồm tự do hàng hải, tôn trọng trật tự dựa trên quy tắc phù hợp với luật pháp quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia.

Trung Quốc trả đũa Mỹ về thương mại

Ngày 1.6, Trung Quốc chính thức áp mức thuế 5 - 25% lên 5.140 mặt hàng nhập từ Mỹ với tổng trị giá 60 tỉ USD. Trong đó có hơn phân nửa số mặt hàng bị áp thuế ở mức 20 - 25%, theo Reuters. Động thái này nhằm đáp trả Mỹ hôm 10.5 tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng tỏ ra ngày càng cứng rắn, đặc biệt sau khi Tập đoàn Huawei của nước này bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”, dẫn đến việc một loạt đối tác ở phương Tây thông báo tạm dừng hợp tác. Để trả đũa, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ sớm công bố danh sách “những thực thể không đáng tin cậy”, bao gồm “các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài áp đặt cấm vận hoặc ngừng cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại, làm tổn hại nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho hay sẽ đưa ra Sách trắng về quá trình đàm phán thương mại với Mỹ vào hôm nay 2.6.
AFP dẫn lời chuyên gia Mai Tân Dục thuộc Học viện Thương mại quốc tế và hợp tác kinh tế Trung Quốc cho hay những công ty nằm trong “danh sách đen” của Bộ Thương mại sẽ bị hạn chế về mua bán, đầu tư và giấy phép kinh doanh còn việc đi lại và hoạt động của các cá nhân liên quan sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh vẫn còn “chừa đường lui” khi chưa chính thức đưa ra danh sách. Theo giới quan sát, nội dung của văn bản này sẽ tùy thuộc vào kết quả của cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump bên lề Hội nghị cấp cao G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Cũng trong ngày 1.6, Tân Hoa xã đưa tin chính quyền Trung Quốc sẽ mở cuộc điều tra nhằm vào công ty chuyển phát Fedex của Mỹ về hành vi “gây tổn hại quyền lợi khách hàng”. Trước đó, Huawei cáo buộc Fedex cố tình không chuyển 2 kiện hàng đến địa chỉ tại châu Á của tập đoàn này mà lại đưa về Mỹ. Fedex chưa có phản ứng về những thông tin trên.
Văn Khoa

Hợp tác Việt - Mỹ đã đạt hiệu quả thiết thực


Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, chiều 1.6, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã có cuộc tiếp xúc song phương với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Tại cuộc gặp, hai bên cho rằng hợp tác Việt - Mỹ thời gian qua đã đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới. Về hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác hiện có, trong đó ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác đào tạo, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao…
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước New Zealand, Anh, Singapore, Malaysia, Pháp và Mông Cổ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng có các cuộc trao đổi bên lề với Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Bộ trưởng Quốc phòng Canada.
TTXVN

Bước ngoặt mới trong chiến lược của Mỹ

Đó là một trong các ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế nhận định với Thanh Niên xung quanh bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Đối thoại Shangri-La ngày 1.6, và báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Lầu Năm Góc công bố cùng ngày.
Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La
       

Bà Bonnie Glaser (Giám đốc chương trình Sự trỗi dậy của Trung Quốc - CSIS, Mỹ):

Bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Shanahan đã đưa ra thông điệp trấn an các nước rằng: Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ không dẫn đến xung đột; Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và rộng mở đang được Washington củng cố nên sẽ đạt hiệu quả cân bằng hơn; Mỹ hiểu rằng kinh tế là điều cần thiết cho an ninh khu vực.
Ông Shanahan kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường bằng khả năng của chính mỗi quốc gia nhằm góp phần đảm bảo an ninh chung. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc nhưng để ngỏ khả năng hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh.
Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La
       

TS Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ):

Việc đưa ra báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ghi dấu là lần đầu tiên sau nhiều năm, Lầu Năm Góc đưa ra đánh giá và các hoạt động khu vực châu Á - Thái Bình Dương nằm chung trong một báo cáo duy nhất. Điều này phù hợp với Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược an ninh quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng mở rộng phạm vi địa lý kết hợp toàn bộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Báo cáo trên kêu gọi một chiến dịch phục hồi mối quan tâm trong quá khứ trong bối cảnh giữa các sức mạnh bền bỉ của Mỹ, vai trò quan trọng của một số đối tác như VN... kết hợp tạo thành một tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Dù không có nhiều chi tiết mới, nhưng tài liệu này đã tập hợp thành một chuỗi bài bản và mạch lạc hơn.
Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La
       

TS Collin Koh Swee Lean (chuyên gia quân sự tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam - Singapore):

Bài phát biểu của ông Shanahan không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, có lẽ vì phía Washington không muốn Đối thoại Shangri-La lần này quá căng thẳng. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên mà ông Shanahan tham dự Đối thoại Shangri-La trong vai trò người đứng đầu Lầu Năm Góc. Bên cạnh đó, tối hôm trước thì ông Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa cũng đã có cuộc gặp gỡ ngắn.
Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La
       

PGS-TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines):

Việc Lầu Năm Góc đưa ra báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một chỉ dấu cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump nhận thấy những gì mà tổng thống tiền nhiệm Barack Obama làm đối với khu vực là chưa đủ. Kết hợp với hàng loạt động thái của Washington gần đây như tăng cường hiện diện hải quân trong khu vực, cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho các đồng minh, thì có lẽ điều mà Mỹ hướng đến không chỉ là tự do hàng hải. Tôi cho rằng Mỹ đang thể hiện sẵn sàng leo thang trước các hành động của đối phương. Qua đó, tình hình chính trị khu vực đang ngày càng nóng lên.
Ngô Minh Trí (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.